“Phải chăng mình đã sai lầm”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phải chăng mình đã sai lầm khi lùi lại sau vợ để cô ấy được thảnh thơi thăng tiến? Phải chăng cô ấy đã không hiểu được thiện ý của chồng mình, nên trong con mắt cô ấy, anh chỉ là một người vô dụng, một gã bỏ đi?...

Anh bảo, những câu hỏi ấy cứ lặp đi lặp lại trong đầu trước tình cảnh hạnh phúc gia đình ngày càng chông chênh, trước thái độ lạnh lùng và khiêu khích của chị cùng những đồng tiền chị mang về.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Anh thừa nhận, vợ mình giỏi giang, xinh đẹp, con đường thăng tiến rất nhanh. Trong câu chuyện của anh được biết, lúc lấy nhau cả hai vẫn chỉ là nhân viên sống dựa vào đồng lương. 5 năm sau, khi hai đứa con ra đời, chị đã có một chỗ đứng vững chắc trong công ty, còn anh vẫn chỉ là một chuyên viên, với mức lương hàng tháng chỉ để anh uống cà phê, đổ xăng và ăn sáng. “Nhưng anh không ghen tức, không buồn vì điều đó. Anh thầm phục chị và ngầm ủng hộ để chị nắm bắt được cơ hội vươn lên. Bởi anh hiểu rằng, cũng như người đàn ông, nếu thiếu một hậu phương, chị sẽ khó vững lòng tiến bước” - anh tâm sự. Quả thật, những người quen biết anh chị không mấy xa lạ với cảnh mà bạn bè vẫn thường trêu anh là “người chồng đảm”. Bởi khi ấy, đứa con nhỏ mới được vài tháng tuổi, chị đã phải liên miên với những đợt công tác dài ngày. Con nhớ sữa mẹ cả ngày khóc lóc. Không có ông bà giúp đỡ, kinh tế lúc đó cũng chưa dư dả để thuê người giúp việc, một mình đàn ông, tay cứng chân vụng, nên anh lúc đó thấy sao mà vất vả, cực nhọc, nhưng nhìn anh vẫn ngập tràn hạnh phúc.

“Con lớn dần, anh cũng dần quen, nên mọi việc không có gì khó khăn. Anh vừa đi làm, vừa đón con, nấu cơm, cho con ăn và đợi vợ. Để rồi đến một ngày, anh giật mình khi nhìn thấy những ánh mắt không thiện cảm của vợ. Rồi đến những ngày chị rất hay về muộn trong tình trạng say khướt. Anh nhắc nhẹ, thì chị quát lại: “Anh thì biết gì mà dạy đời”" - anh cay đắng kể.

Rồi khi con đường thăng tiến của chị cứ "thuận buồm xuôi gió", anh thấy mình thụt lại phía sau cùng thái độ kể cả của chị trong gia đình. Đúng là những khoản mua sắm lớn nhỏ trong nhà đều một tay chị lo toan. Nhưng đồng nghĩa với kiếm được nhiều tiền hơn chồng, trong ánh mắt chị, anh chẳng còn là gì cả. Anh buồn bã: “Kể cả những hôm đi làm về sớm, thấy chồng cứ cặm cụi chăm sóc con cái, hay dọn dẹp nhà cửa, chị không hỏi han mà chỉ bĩu môi, lắc đầu. Đêm đêm nằm cạnh anh, chị lại thở dài. Rồi chị khen người này, người nọ, họ lịch lãm, họ hiểu tâm lý phụ nữ. Thỉnh thoảng chị lại mời những đôi vợ chồng giàu có đến nhà chơi rồi hết lòng khen ngợi chồng họ. Trong khi đó hàng xóm láng giềng suốt ngày xì xào về những chiếc xe sang trọng suốt ngày đón chị đi sớm về khuya rồi nhìn anh với cái nhìn thương cảm. Những lúc ấy, đúng là đàn ông thật nhưng anh cũng không thể không thầm nhỏ những giọt nước mắt tủi hổ, những giọt nước mắt đắng ngắt”.

Bạn bè đều biết anh đã quá mệt mỏi với tình cảnh của mình. Anh nói mà như tự nhủ với bản thân “không biết tự lúc nào cái gia đình nhỏ anh ra sức vun vén lại rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười như thế”. Có người bạn lên tiếng khuyên anh hãy dứt bỏ cái vai trò “hậu phương” ấy để vươn ra, cạnh tranh với chị, để chị thấy rằng không chỉ chị mới là “trụ cột kinh tế của gia đình”. Anh cười: “Nếu làm thế thì quá dễ”. Bởi anh không phải người cổ hủ, bất tài hay chậm tiến. Cũng có những lúc anh cũng muốn tung hê tất cả, bước ra ganh đua với vợ trong việc thăng tiến. Rồi anh cũng đi sớm về khuya, cũng lu bù trong những bữa nhậu để tạo mối quan hệ, cũng lu bù trong công việc, rồi những chuyến công tác xa nhà. Nhưng quay đầu nhìn lại hai đứa con còn bé dại, anh không muốn chúng rơi vào cái cảnh mồ côi khi bố mẹ còn sống và điều quan trọng hơn cả là anh yêu cái gia đình của mình. Của chồng công vợ, tiền của ai chẳng được, miễn là thu nhập chính đáng. Nhưng anh chỉ không ngờ sự đời lại không đơn giản vậy. Vợ thu nhập cao hơn chồng như con dao hai lưỡi. Sợi dây bện mái ấm gia đình anh luôn bị con dao này đe dọa cắt đứt. “Anh chỉ mong chị hiểu được rằng, trong cuộc sống gia đình, đôi lúc lùi lại không có nghĩa là tụt hậu. Để chị thấy trân trọng hơn cái hạnh phúc gia đình mà mình đang có. Nhưng điều ấy có vẻ khó quá chăng?” - anh buồn bã.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần