Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải để người lao động sống được bằng lương

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/7/2023, nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực, trong đó lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (CBCCVC, LLVT) được điều chỉnh tăng thêm 20,8%.

Lần tăng lương này được đội ngũ CBCCVC rất đón đợi, đánh giá là một sự khích lệ kịp thời, song nhiều ý kiến cho rằng tăng lương phải song song với kiểm soát được giá cả thì mới thực sự giúp người lao động (NLĐ) vượt qua khó khăn, yên tâm trụ lại với công việc.

Sự động viên kịp thời với người lao động

Hơn 10 năm công tác, lương của chị Thu Trang - giáo viên trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) chỉ được hơn 6 triệu đồng/tháng, thế nên lần tăng lương này được chị mong ngóng từ lâu và sẽ tiếp thêm động lực để những giáo viên như chị có thể tiếp tục bám trụ được với nghề.

Theo nhiều công chức ở khối quận, huyện tại Hà Nội, hiện thu nhập theo thang bảng lương của CBCCVC, NLĐ ở mức khởi điểm còn khá thấp, chỉ gần 3,5 triệu đồng/tháng; nhiều người phải chật vật với mức tiền lương khi sống ở đô thị. Mức lương của CBCCVC so với mặt bằng chung đang ở mức thấp so với khối DN. Vì vậy, trong bối cảnh

Lần tăng lương này sẽ giúp giáo viên có thêm thu nhập, tiếp thêm động lực có thể tiếp tục bám trụ được với nghề. Ảnh: Phạm Hùng
Lần tăng lương này sẽ giúp giáo viên có thêm thu nhập, tiếp thêm động lực có thể tiếp tục bám trụ được với nghề. Ảnh: Phạm Hùng

CBCCVC nghỉ việc rất nhiều, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục thì đây là lần đầu tiên, mức lương cơ sở được tăng cao nhất sau 12 lần điều chỉnh đã góp phần bảo đảm nguồn lương, nâng cao đời sống CBCCVC nói chung, cho thấy chính sách rất đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước. Điều này tạo ra sự phấn khởi lớn đối với CBCC vì mức lương hiện khá thấp so với mức độ chuyển giá của lạm phát, cũng như mức độ sống, đặc biệt ở khu vực đô thị lớn.

Trưởng Phòng Nội vụ UBND quận Long Biên (Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng nhìn nhận, lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7/2023 cũng có nghĩa lời hứa với NLĐ đã được thực hiện, dù hơi trễ nhưng rất kịp thời sau khoảng thời gian dài khó khăn do đại dịch Covid-19, kể cả đến năm nay vẫn phải lấy quỹ dự trữ ra để sử dụng nên tiếp tục khó khăn.

 

Việc kiềm chế tăng giá cả theo lương phụ thuộc vào điều hành kinh tế vĩ mô, nhưng nhìn chung tâm tư CBCCVC, NLĐ là mong muốn khi lương tăng thì chỉ số giá tiêu dùng vẫn được duy trì ở mức thấp chứ không được cao hơn mức lương tăng. Điều đó sẽ khiến NLĐ cảm thấy những vấn đề trong thu nhập của mình không được giải quyết. Cho dù so sánh với các nước trong khu vực thì Việt Nam vẫn đang có chỉ số giá tiêu dùng tương đối thấp, nhưng điều hành kinh tế vĩ mô cần có được lộ trình để làm sao CBCC, NLĐ sống được bằng lương. Qua thực tế chúng tôi được đi học tập kinh nghiệm ở một số nước ngay trong khu vực thì thấy đúng là Việt Nam còn phải phấn đấu nhiều trong vấn đề này.
Trưởng Phòng Nội vụ UBND quận Long Biên Nguyễn Thị Thu Hằng

 

Công chức cơ sở lẫn công chức cấp huyện đón nhận điều này với tâm trạng rất vui mừng, bởi là động viên kịp thời với họ trong bối cảnh số lượng lớn công chức chuyển làm việc từ khu vực Nhà nước sang khu vực ngoài Nhà nước gần đây. Đáng kể, một số khu vực đang phải có giải pháp mạnh để giữ được chân NLĐ, bởi sự dịch chuyển này kèm theo chảy máu chất xám, khi hầu hết là người giỏi xin ra khỏi khu vực Nhà nước, chứ không phải người không làm được việc.

“Thực tế ở cơ sở tôi thấy gần đây không có nhiều công chức đăng ký tuyển dụng vào khu vực Nhà nước, họ thể hiện không mặn mà với khu vực công. Nhất là có nhiều giáo viên mầm non hệ công lập bỏ ra ngoài làm tại hệ dân lập, thậm chí NLĐ ngay khi ký hợp đồng lao động thì đề xuất luôn với chủ sử dụng lao động về mức thu nhập, nếu được đáp ứng thì mới đồng ý vào làm.

"Điều này cho thấy tư duy của CBCC, NLĐ đối với việc làm và thu nhập đã có thay đổi lớn. Bởi vậy, việc điều chỉnh tăng lương lần này thực sự là sự động viên rất kịp thời với CBCCVC trong khu vực Nhà nước để có sự gắn bó, tâm huyết với nơi làm việc” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng bày tỏ.

Theo nhiều ý kiến, đây là mức tăng lương khá ấn tượng sau 4 năm (từ 1,49 triệu đồng năm 2019 lên 1,8 triệu đồng năm 2023), song với những CBCC ở UBND cấp xã, giáo viên mầm mon, tiểu học… hay nhiều vị trí khác ở cấp cơ sở, thì mức tăng này mới tạm đủ sống, chỉ đỡ phần nào, chứ chưa thể bảo đảm cuộc sống tốt hơn khi giá cả ngày càng leo thang. Do vậy, họ vẫn phải tiếp tục làm thêm nhiều công việc khác để gia tăng thu nhập.

Tăng lương cần song song với tăng phụ cấp

Mặc dù lương được điều chỉnh tăng ghi nhận là sự nỗ lực rất lớn của công tác quản lý điều hành vĩ mô, song các chuyên gia cho rằng, xây dựng hệ thống tiền lương cần gắn với mức sống, phản ánh cung - cầu lao động, kích thích lao động; lương của CBCCVC phải bảo đảm mức sống tối thiểu, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Trong khi hiện tại, mức lương tối thiểu cao nhất ở vùng I với 4.420.000 đồng/tháng, mà mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng. Công thức tính lương là “mức lương = lương cơ sở (1,8 triệu đồng) x hệ số lương hiện hưởng (thấp nhất là 2,34), tương ứng 4.212.000 triệu đồng/tháng.

Mức lương này còn chưa bằng lương tối thiểu vùng I, như vậy là rất bất cập. Mặt khác, những người có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật, tốt nghiệp đại học trở lên phải được hưởng mức lương tương ứng; thật khó chấp nhận việc lao động có trình độ lại có mức lương thấp hơn lao động phổ thông...

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, tăng lương cơ sở đối với CBCCVC, LLVT trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn hiện nay thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước nhằm chăm lo cho những người đang làm công việc trực tiếp để phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, song vấn đề cần quan tâm nhất là phải kiểm soát được giá cả.

 

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến 2022 đã có gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư; tỷ lệ nghỉ việc ở T.Ư là 18% và địa phương là 82%, tập trung nhiều nhất ở 2 ngành giáo dục và y tế. Do đó, tăng lương cơ sở lần này được kỳ vọng sẽ tạo động lực giúp NLĐ trong khu vực công nâng cao tinh thần làm việc và cống hiến.

 

Về lâu dài, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để tăng lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, LLVT và NLĐ trong DN. Sang năm 2024, 2025 khi kinh tế phục hồi sẽ là điều kiện quan trọng để Chính phủ đưa ra những quyết định liên quan cải cách tiền lương một cách căn bản, để lương thực sự là thu nhập chính, từ đó NLĐ làm việc với năng suất cao và chất lượng hơn.

Dưới góc độ cán bộ trực tiếp làm công tác ở cấp cơ sở, Chủ tịch UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) Nguyễn Thùy Dương đánh giá, dù tạo phấn khởi và thêm động lực cho CBCC làm việc song cần thẳng thắn nhìn nhận rằng việc tăng lương cơ sở thêm 20,8% mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu đời sống của NLĐ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Thực tế lương tối thiểu vùng đang rất thấp nên tăng 20,8% lương cơ sở là không đáng kể và chưa giải quyết được mọi vấn đề trong thu nhập của CBCC, nhất là ở cấp cơ sở. Bởi khi lương tăng thì đủ thứ tăng giá theo, thậm chí lương chưa kịp tăng thì giá điện đã tăng rồi.

“Lương tối thiểu vùng đã thấp, cộng thêm kinh tế khó khăn, lại thêm cái gì trong xã hội cũng tăng giá, nên có thể nói tăng lương lần này mới giải quyết được phần nào những bất cập hiện nay trong thu nhập của NLĐ.

"Sau một khoảng thời gian rất dài, nay lương cơ sở mới được tăng, nên mấu chốt là lộ trình tăng này phải được rút ngắn hơn thì mới đáp ứng được nhu cầu đời sống của CBCC. Đồng thời, cải cách chính sách tiền lương cần đồng bộ, bên cạnh lương cơ sở thì các loại phụ cấp cũng phải được tăng thì mới giải quyết được vấn đề hiện nay” - bà Nguyễn Thùy Dương nhấn mạnh.