Bên cạnh đó, hoạt động của Quốc hội cũng cần tiếp tục đổi mới theo hướng tăng quyền hạn, tính chủ động cho ĐB.
Đó là trao đổi thẳng thắn của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh) - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về công tác bầu cử ĐB Quốc hội sắp diễn ra.
Dù vẫn còn một kỳ họp nữa, nhưng có thể nói các hoạt động của Quốc hội Khóa XIII đã cơ bản kết thúc. Ông đánh giá thế nào về chất lượng Quốc hội cũng như vai trò ĐB Quốc hội thời gian qua?
- Hoạt động của Quốc hội cũng chính là quá trình thể chế hóa cương lĩnh phát triển của Đảng. Vừa với tư cách là cử tri, vừa là người nghiên cứu sâu về Nhà nước, tôi cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã đổi mới, đồng thời bám sát, thực hiện hiệu quả cả 3 chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn. Tất nhiên là so với yêu cầu, mong mỏi của cử tri thì vẫn còn nhiều việc phải làm, tuy nhiên với khối lượng công việc lớn như vậy, không thể một sớm một chiều ngay được mà phải từng bước hoàn thiện hơn.
Quốc hội Khóa XIII, tôi rất quan tâm đến điểm mới là bỏ phiếu tín nhiệm một số chức danh chủ chốt, bước đầu đạt hiệu ứng khá tốt. Có thành viên Chính phủ sau khi nhận phiếu khá thấp đã đề ra các biện pháp khắc phục, tạo chuyển biến trên lĩnh vực mình phụ trách và được người dân đánh giá cao. Chất vấn tại nghị trường cũng ghi dấu ấn đậm nét, nhất là kỳ họp gần đây, ĐB có quyền chất vấn bất cứ thành viên Chính phủ nào về những vấn đề dư luận đang quan tâm. Thế là đổi mới, thế là dân chủ còn gì.
Tuy nhiên, không phải không còn những hạn chế. Tính độc lập của mỗi ĐB còn ở chừng mực nào đó, vẫn thiếu hình ảnh “một nghị sĩ” ở cơ quan quyền lực tối cao. Trình độ hiểu biết pháp luật của không ít ĐB còn hạn chế do không có điều kiện, thời gian nghiên cứu chuyên sâu, nên khi tham gia, thảo luận và thông qua các Luật chỉ đạt chất lượng “vừa phải”.
Hoạt động tiếp xúc cử tri hầu hết mới dừng lại ở lắng nghe, tiếp thu, là “cầu nối” đơn thuần giữa Quốc hội với cử tri mà thôi. Đáng lẽ ĐB phải có trình độ đối thoại, thậm chí có thể quyết đáp ngay sự việc người dân nêu ra. Điều này dẫn đến tình trạng hết nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để, mới dừng lại ở phần “tiếp thu”. Các ĐB cũng nên chủ động hơn, đi sâu đi sát cơ sở, xem người dân đang sống thế nào, đang quan tâm đến vấn đề gì. Muốn vậy, cần trao nhiều quyền hơn cho ĐB, chứ không chỉ cơ bản… lắng nghe như hiện nay. Gần đây, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đã mạnh dạn trình dự án Luật Hành chính công và được Chính phủ ủng hộ. Những việc như thế cần phải có thường xuyên hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, những hạn chế này của Quốc hội là do chúng ta có quá nhiều ĐB kiêm nhiệm, ít ĐB chuyên trách?
- Đúng là trước kia việc đảm bảo “cơ cấu” là chính, nhưng gần đây đã có sự kết hợp hài hòa giữa chất lượng và cơ cấu. Nhưng tôi cho rằng, chất lượng ĐB vẫn là yếu tố quyết định. Không chắc “anh” là ĐB chuyên trách đã giỏi hơn người kiêm nhiệm. Thậm chí, ĐB kiêm nhiệm còn lợi thế hơn bởi trình độ chuyên sâu, lại có thể giải quyết được những lĩnh vực mình phụ trách.
Trở lại cuộc bầu cử sắp diễn ra, có không ít ý kiến lo ngại về “sân chơi bình đẳng” giữa người tự ứng cử với những người được cơ quan, tổ chức giới thiệu. Còn quan điểm của ông?
- Tôi cho rằng, dù ứng cử giới thiệu hay tự do đều phải thông qua hiệp thương để sàng lọc. “Bộ lọc” này vừa phát huy dân chủ, vừa đúng luật. Các bước hiệp thương không thể làm ào ào được, đòi hỏi MTTQ và các cơ quan phải có trách nhiệm rất cao, bám sát quy định, tiêu chuẩn đã đề ra. Bộ Chính trị đã yêu cầu rõ là: “Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ...”. Theo tôi, chúng ta có thể vận dụng cách làm rất thành công của Đại hội Đảng XII vừa qua là rất chặt chẽ, dân chủ, công khai, đúng quy trình, trách nhiệm. Cũng như bầu Ban Chấp hành T.Ư Đảng, nếu chúng ta chọn được những ĐB ưu tú thì đất nước được nhờ, dân được nhờ. Muốn vậy, hiệp thương phải làm chặt chẽ, lựa chọn kỹ càng, tạo sân chơi bình đẳng cho những người tự ứng cử, không vì một hai trường hợp khóa vừa rồi bị bãi miễn mà có cái nhìn khác với đa số người tâm huyết vì việc chung. Nếu làm tốt khâu này, khi đưa ra bầu sẽ rất thuận, vừa chọn được người giỏi, vừa không để lọt đối tượng không đủ tiêu chuẩn. Bởi trong công tác cán bộ, trong tập thể hàng trăm người tốt, nhưng chỉ cần có một người phẩm chất kém cũng ảnh hưởng rất lớn.
Ông có mong muốn gì gửi đến cuộc bầu cử ĐB Quốc hội và HĐND các cấp đang đến gần?
- Chúng ta cũng nên nghiên cứu để đổi mới hoạt động tranh cử, có thể thực hiện vận động với những chương trình hành động cụ thể để cử tri căn cứ vào đó để giám sát lời hứa của mỗi ĐB.
Trước mắt, phải tuyên truyền, vận động làm sao nhằm kiên quyết loại bỏ việc đi bầu hộ. Thấy có người đi bỏ phiếu cho cả nhà mà buồn lắm. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi chính trị rất lớn của mỗi người, sao lại dễ dàng bỏ đi như vậy. Nhớ lại cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946 mới thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tổ chức tốt thế nào, người dân đều rất phấn khởi, trách nhiệm tham gia, trong khi rất nhiều thế lực thù địch chống phá. Đây là những bài học kinh nghiệm rất quan trọng cho công tác bầu cử sắp tới.
Xin cảm ơn ông!
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
|