Mới đây, Hội nghị Trung ương 8, khóa XI thông qua Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Câu hỏi đặt ra là những đổi mới này cụ thể như thế nào, liệu những chiếc cặp trên vai các em học sinh nhiều năm nay trĩu nặng có được vơi bớt hay không?.
Liệu những buổi dạy thêm, học thêm dày đặc có được hạn chế. Đó là những băn khoăn của các bậc phụ huynh và đây cũng là lý do chúng tôi mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tham gia chuyên mục Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời.
PV: Thưa Bộ trưởng, xin bắt đầu chuyên mục bằng câu hỏi của một phụ huynh học sinh. Chúng tôi xin trích bức thư: Thưa Bộ trưởng, con tôi mới vào lớp 1 nhưng phải khoác trên vai những chồng sách vở ngày càng dày lên mỗi ngày. Tôi bắt đầu tìm hiểu cặn kẽ hơn về cách thức dạy và học và rất phẫn nộ khi có bài toán như thế này: Nam năm nay 4 tuổi, bố Nam gấp 3 lần tuổi của Nam. Hỏi bố Nam năm nay bao nhiêu tuổi?. Đáp án được đưa ra là bố Nam 12 tuổi. Hay bài toán khác rất ghê rợn khác: Em có 5 ngón tay, em chặt bớt 2 ngón, hỏi còn mấy ngón? Tôi thật sự lo sợ trước tương lai con cái mình khi đứng trước đề toán phi giáo dục, phi nhân tính như thế này. Xin mời Bộ trưởng trả lời?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Xin chia sẻ sự bức xúc của các bậc phụ huynh liên quan đến thông tin về sai sót phi lý, không thực tiễn và trích dẫn vừa rồi là ví dụ.
Có thể nói đây là biểu hiện của tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục. Rất may là tài liệu được lưu hành chính thống trong nhà trường thì không có sai sót như thế. Những tài liệu này do những người viết không đủ kiến thức về khoa học giáo dục, kiến thức về thực tiễn, thiếu trách nhiệm, được nhà xuất bản, nhà in xuất bản, chạy theo đồng tiền đơn thuần đã đưa ra thị trường, xâm nhập vào hệ thống nhà trường.
Thấy được thực tiễn này, Bộ GD&ĐT đã chủ động triển khai biên soạn, ban hành quy phạm văn bản quy phạm kỹ thuật, dựng lên hàng rào kỹ thuật nhằm đưa vào tài liệu tham khảo vào nhà trường với liều lượng thích hợp, chặn đứng tài liệu, cuốn sách phản giáo dục không khoa học, không phù hợp với thực tiễn lứa tuổi.
Điều này giúp cho nhà trường có cơ chế lựa chọn sách, tài liệu phù hợp. Đồng thời, chúng tôi cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư liên tịch, nhằm xác định trách nhiệm của nhà xuất bản trong việc phát hành những tài liệu liên quan đến giáo dục ngoài thị trường-khu vực chúng tôi không có thẩm quyền quản lý trực tiếp. Việc này đang được triển khai và sẽ ban hành sớm.
Cùng với đó, chúng tôi mong muốn các bậc phụ huynh, học sinh thẩm định kỹ tài liệu liên quan đến giáo dục trước khi mua.
PV: Thưa Bộ trưởng, dư luận quan tâm đến Nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo vừa được thông qua. Để nói ngắn gọn cụm từ đổi mới căn bản giáo dục, Bộ trưởng sẽ nói gì?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Chúng ta thay đổi cả về nhận thức cũng như hành động trong tổ chức giáo dục, cả về quan điểm, mục tiêu nguyên tắc, phương pháp.
Chúng ta sẽ thay nền giáo dục hiện nay đang chuyển tải càng nhiều kiến thức cho các cháu sang cách thức giúp các cháu tự học, tự nghiên cứu. Chuyển từ việc đánh giá các cháu tính toán nhanh, tính toán đúng, tính toán nhiều là giỏi sang phương thức hướng dẫn để các cháu sáng tạo.
Chúng ta sẽ thay vì dạy các cháu thành nhà văn, nhà tin học, nhạc sĩ chuyển thành các cháu có năng lực cảm thụ cái hay, cái đẹp bài thơ, bài văn, xúc động trước bản nhạc, bức tranh. Tức là tạo dựng để sau này các cháu trở thành công chúng lành mạnh của nền âm nhạc, văn học, hội họa của Việt Nam và thế giới. Đồng thời, có năng lực từ chối những sản phẩm độc hại không có lợi cho quá trình hình thành nhân cách và phẩm chất của các cháu.
Chúng ta sẽ tạo dựng thế hệ có sự tự chủ, tự tin viết, trình bày, diễn đạt và bảo vệ ý kiến của mình, đồng thời có khả năng lắng nghe, tiếp thu cái hay, tốt của đồng nghiệp, bạn học, những người xung quanh và sau này của cả thế giới để làm giàu trí tuệ và khả năng làm việc của mình.
Bên cạnh việc dựng lên hàng rào kỹ thuật trên nhà trường để ngăn chặn sách không tốt xâm nhập vào nhà trường.
PV: Bộ trưởng vừa nhắc tới khái niệm “tích hợp”, vậy khái niệm đó như thế nào? Liệu có phải chúng ta nhặt mỗi môn một chút rồi trộn vào với nhau thành môn giáo dục mới hay không. Liệu như vậy, những chiếc cặp trên vai học sinh có bớt trĩu nặng không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Câu hỏi này liên quan đến vấn đề chuyên môn khá sâu của khoa học giáo dục. Nói tóm tắt thế này: Chúng ta sẽ chuyển môn khoa học mà bắt các cháu học hiện nay, sang việc lựa chọn kiến thức của môn khoa học mà tác động trực tiếp đến việc hình thành phẩm chất và năng lực của các cháu để các cháu học. Còn việc diễn đạt và tích hợp, để cho dễ hiểu, chúng tôi phải huy động vốn sống của các thầy cô giáo hiện nay đang có để hiểu về vấn đề mới, thì chúng tôi dùng khái niệm tích hợp để hình dung một cách tóm tắt.
Nhưng không phải cóp nhặt một cách tùy tiện của từng môn khoa học mà lựa chọn những môn khoa học của cuộc sống, những kiến thức nào góp phần vào việc hình thành năng lực và phẩm chất của các cháu theo lộ trình từ lớp dưới lên lớp trên, từ nhỏ đến lớn thì chúng ta sẽ đưa vào giảng dạy.
Nói cụ thể hơn, ví dụ chia ra thành môn Văn, môn Sử, môn Địa. Sắp tới không có sự tách bạch.
Khi giảng dạy môn Địa lý về đất nước, vùng đất nào đó, không có lí gì khi tách ra khỏi việc nói về các sự kiện, nhà anh hùng, nhà văn hóa, nhà quản lý, người có công đến vùng đất đó. Không có lý gì tách bạch học tư liệu lịch sử, giúp các cháu có cảm nhận về văn chương, văn học.
Như vậy, từng kiến thức sẽ được lựa chọn, rồi được chuyển tải đến các cháu, giúp các cháu tự học, tự tìm hiểu để có kiến thức tổng hợp cả về Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân giúp các cháu thành con người mới.
PV: Thưa Bộ trưởng, cũng có rất nhiều băn khoăn của đội ngũ giáo viên, những người thực thi phương pháp giảng dạy mới này. Bộ trưởng có giải pháp gì giải quyết băn khoăn đó?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Băn khoăn là điều dễ hiểu, vì đổi mới lần này là sự thay đổi căn bản: Cách thức, tư duy sẽ khác, vị trí của người thầy sẽ khác. Vai trò và nhiệm vụ của người học sẽ khác. Phương pháp học, kiểm tra, đánh giá sẽ khác.
Như vậy, chúng ta phải từ bỏ cách nghĩ, cách làm vốn là “máu thịt” của nhiều thế hệ học sinh, thầy cô giáo sang cách làm mới.
Chúng ta không có lựa chọn khác, vì đây là con đường, cách thức mà hầu hết các nước trong đó có nước phát triển cả về văn hóa, kinh tế, giáo dục đang đi.
Khó khăn thì nhiều, nhưng có làm được không, tôi khẳng định là làm được. Trong quá trình nghiên cứu để đề xuất với Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước trong đó có nhiều tỉnh, thành phố có điều kiện thuận lợi và nhiều tỉnh có điều kiện khó khăn.
Tại những tỉnh này, chúng tôi đã có triển khai thí điểm những mô hình và phương án đổi mới lần này với hàng chục trường, với chục ngàn học sinh. Trong đó, có những trường, nhiều học sinh các em người dân tộc thiểu số, không nói được tiếng Việt, bố mẹ các cháu cũng không nói được tiếng Việt.
Khi triển khai, với điều kiện như vậy, qua tập huấn, đào tạo lại thì việc đối mới diễn ra suôn sẻ, thành công, có thể nhân rộng ra các nhà trường. Tuy nhiên để nhân rộng còn khó khăn. Đó là công tác tổ chức, quản lý. Chúng tôi đã hình dung, chuẩn bị triển khai. Ngoài việc đổi mới sách giáo khoa, chúng tôi đã xuất bản tài liệu hướng dẫn cho giáo viên giúp các nhà giáo tìm hiểu, tự nghiên cứu và thay đổi từng bước.
Với cơ sở vật chất được trang bị chúng tôi chuyển các băng, đĩa cho các nhà trường để thầy cô giáo kể cả ở vùng sâu, vùng khó khăn được tiếp xúc, làm việc, học hỏi nhà giáo có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, chúng tôi tận dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và điều kiện kỹ thuật cho phép để liên lạc trực tuyến với thầy cô giáo ở vùng miền có điều kiện để tháo gỡ những vướng mắc của từng thầy cô được các chuyên gia giải đáp, từ đó phổ biến rộng rãi.
Có thể nói, khó khăn đã được dự tính và để tính toán trong điều kiện kỹ thuật và ngân sách cho phép của chúng ta để có giải pháp và biện pháp hợp lý.
Sẽ có muôn vàn khó khăn, nhất là thay đổi tư duy, nhận thức. Tôi mong muốn các thầy cô giáo phát huy tinh thần sáng tạo với tinh thần trách nhiệm để chúng ta tự đổi mới và chúng ta là chủ nhân để triển khai các hoạt động đổi mới dạy và học trong nhà trường.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận
|
hiều phụ huynh đang rất kỳ vọng vào sự đổi mới toàn diện nền giáo dục, để con em giảm bớt áp lực quá tải trong học tập hiện nay
|