Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải minh bạch thông tin về thực phẩm

Bài, ảnh: Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự thảo quy định tạm thời đang được Sở NN&PTNT lấy ý kiến, yêu cầu chung đối với tất cả sản phẩm rau, thịt tiêu thụ tại Hà Nội là phải có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo ATTP theo quy định.

Siết chặt yêu cầu

Ngay khi ra đời Ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã khẳng định, Hà Nội giống như một thị trường nhập khẩu. Do đó, TP cần sớm có những quy định riêng đối với sản phẩm rau, thịt tiêu thụ tại thị trường Thủ đô để ra “đầu bài” cho sản xuất, đồng thời cũng là cơ sở để kiểm tra, giám sát ATTP.
 Giới thiệu một số sản phẩm rau, thịt rõ nguồn gốc xuất xứ của huyện Phúc Thọ.
  Giới thiệu một số sản phẩm rau, thịt rõ nguồn gốc xuất xứ của huyện Phúc Thọ.   
Qua 4 lần dự thảo, tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác của Ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội năm 2016 tổ chức ngày 22/6, bộ tiêu chí này tiếp tục nhận được đóng góp sôi nổi của các cơ quan, DN.

Ngoài yêu cầu chung phải đầy đủ thông tin nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo ATTP, “Quy định tạm thời tiêu chí, yêu cầu đối với sản phẩm rau, thịt tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội” còn nêu rõ yêu cầu đối với cơ sở sản xuất ban đầu gồm cả trồng trọt, chăn nuôi. Cùng với đó là tiêu chí đối với cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến rau, thịt, rồi yêu cầu về bao gói, bảo quản, vận chuyển, kiểm nghiệm thực phẩm… Ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho rằng, các quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho DN kinh doanh thực phẩm minh bạch thông tin. Tuy nhiên, một số quy định cần điều chỉnh lại để phù hợp hơn với thực tế, chẳng hạn như việc lấy mẫu phân tích đa dư lượng lên tới hàng triệu đồng/mẫu. Nếu không có lộ trình hỗ trợ, DN khó lòng bắt tay triển khai ngay từ đầu.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Hà Minh Đức – Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch CleverFood cho biết, quy định đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ban đầu phải có cam kết sản xuất an toàn với chính quyền địa phương, tạo thuận lợi cho sản phẩm tiếp cận thị trường. Đồng thời cũng là căn cứ để DN phân phối, kinh doanh truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng, một số tiêu chí về bảo quản (nhiệt độ ướp lạnh) hay yêu cầu về khoảng cách đối với cơ sở kinh doanh rau, thịt cần phải được nghiên cứu lại cho sát thực tiễn…

Tiếp tục hoàn thiện

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô về thực phẩm an toàn là rất cao. Theo nhiều ý kiến, việc quan trọng là cần rà soát và làm minh bạch những nội dung quy định ấy để người dân có thể tham gia giám sát cùng cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó có niềm tin vào chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các tiêu chí, yêu cầu cần rõ ràng, cụ thể nhưng phải phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và thị trường thì mới đảm bảo được chất lượng. Theo ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên đã có cơ sở xác định thực phẩm rau, thịt an toàn. “Vấn đề hiện nay là cần hướng dẫn thực hiện tốt, đặc biệt là xây dựng quy trình hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước để giám sát tổ chức, DN thực hiện đúng nội dung đã cam kết đảm bảo ATTP” – ông Vân nhấn mạnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định, được sử dụng thực phẩm an toàn đang là nhu cầu bức thiết của người dân Thủ đô. Hà Nội hiện có 10 triệu người đang sinh sống, làm việc và khoảng 20 triệu khách du lịch mỗi năm nên nhu cầu lương thực, thực phẩm rất lớn, trong khi đó sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng được. Dù đã có hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành đưa rau, thịt về tiêu thụ tại Hà Nội, song việc minh bạch thông tin vẫn là đòi hỏi tất yếu. Ông Chu Phú Mỹ cho biết, Sở sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí để sớm được áp dụng vào thực tiễn.