Bảo hiểm MVI Life thừa nhận “chưa tư vấn rõ” và hai bên đạt được đồng thuận để diễn viên Ngọc Lan tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm với gói Diamond, đồng thời đã loại trừ những sản phẩm không nằm trong nhu cầu của Ngọc Lan.
Trong khi người nổi tiếng Ngọc Lan tìm được tiếng nói chung với bảo hiểm nhân thọ thì rất nhiều khách hàng vẫn đang dài cổ chờ được ngồi lại với DN để giải quyết các thắc mắc, khiếu nại, khiếu kiện. Trước khi đi đến bước đường phải gửi đơn tố cáo, cầu cứu công an, nhiều người dân đã khiếu nại lên công ty bảo hiểm nhiều lần nhưng không thành.
Mới đây, hàng trăm người đã gửi đơn tới văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh tố cáo Manulife và SCB có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua các nhân viên ngân hàng, đại lý bảo hiểm.
Việc tư vấn mập mờ, khiến khách hàng nhầm tưởng đang tham gia sản phẩm "tiết kiệm đầu tư" để nhận về lãi cao, có thể rút linh hoạt. Sau đó họ nhận ra đã tham gia bảo hiểm nhân thọ. Nếu hủy hợp đồng trong những năm đầu có khả năng mất trắng số tiền đã đóng, còn nếu đóng tiếp thì lại không có đủ tiền.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên khách hàng khiếu nại. Những “thượng đế” khốn khổ của bảo hiểm nhân thọ đã không ít lần gửi đơn từ, thậm chí xếp hàng lay lắt ở trụ sở ngân hàng và bảo hiểm để được giải đáp thắc mắc. Tuy nhiên, DN bảo hiểm vẫn ngồi im với lý do “trong quá trình xem xét”.
Việc các DN, đại lý bảo hiểm, ngân hàng sai đến đâu thì phải chờ cơ quan chức năng kết luận. Tuy nhiên, sự mất niềm tin đang gây ra một cuộc “khủng hoảng lớn chưa từng có” của ngành này - theo lời vị Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm.
Và câu chuyện khủng hoảng lòng tin không phải vô cớ mà đến từ chính cách hành xử không coi trọng khách hàng của các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Thống kê cho thấy, lũy kế đến 3 tháng đầu năm 2023, tổng số hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ là 13.656.362 hợp đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường đạt 37.849 tỷ đồng, giảm 1,4%.
Sự sụt giảm doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ hiện nay theo đại diện Hiệp hội Bảo hiểm có thể do các hợp đồng đáo hạn, chấm dứt không được thống kê, hoặc do những lùm xùm thời gian qua làm suy giảm niềm tin của khách hàng.
Liên quan đến kênh bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng), tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm liên kết chung trong những năm gần đây khá cao, đơn cử trong năm 2021 tăng gần 40%. Sự tăng trưởng nóng của sản phẩm bảo hiểm được cho là phức tạp này là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng của ngành bảo hiểm hiện nay.
Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm thừa nhận, thời gian qua đã ghi nhận nhiều phản ánh về chất lượng tư vấn, chất lượng dịch vụ khách hàng của các DN bảo hiểm nhân thọ và những hạn chế về kênh bancassurance.
Thực tế này cho thấy, bảo hiểm nếu không điều chỉnh sẽ khó tồn tại và phát triển. Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm bảo vệ rủi ro, có nhiều vấn đề phải cân nhắc trước khi mua như kỳ hạn đóng phí dài, nếu rút trước hạn sẽ bị mất hết… đều bị bỏ qua, chỉ tập trung nói về những lợi ích. Sức ép doanh số, sức hấp dẫn của hoa hồng đã dẫn đến tình trạng tư vấn sai về bảo hiểm. Trong khi đó, công tác đào tạo đại lý bảo hiểm có vấn đề, từ nghiệp vụ cho đến đạo đức nghề nghiệp.
Hiện Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính, đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ công tác đào tạo đại lý bảo hiểm và hoàn thiện bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý bảo hiểm.
Tuy nhiên, muốn thay đổi định kiến của người dân về bảo hiểm nhân thọ thì các DN cần thay đổi trong cung cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc trên cơ sở tôn trọng khách hàng. Nếu cạnh tranh vẫn trên cơ sở hoa hồng và chạy đua mở đại lý dễ dãi thì câu chuyện tiền tấn bay đi vì khủng hoảng niềm tin chắc chắn vẫn sẽ khó được giải quyết.