Phân biệt chủng tộc tại Mỹ: Nhiều việc phải làm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một năm sau các vụ biểu tình quy mô lớn trên khắp nước Mỹ nhằm kêu gọi công bằng cho Travoy Martin - thiếu niên da màu bị sát hại hồi tháng 2/2012, bầu không khí nóng bỏng ấy lại tái diễn tại Ferguson (bang Missouri).

Các cuộc biểu tình, lệnh giới nghiêm và việc phải điều động vệ binh quốc gia để "hạ nhiệt" căng thẳng tại đây cho thấy, phải rất lâu nữa, nước Mỹ mới giải quyết được các vấn đề liên quan đến phân biệt chủng tộc.

 Trong bối cảnh tình hình bạo động tại thị trấn Ferguson chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngày 20/8 (theo giờ Việt Nam), tại TP St. Louis gần đó, 2 cảnh sát địa phương đã nổ súng bắn chết một nam giới da màu. Vụ nổ súng xảy ra khi người đàn ông này mang dao, đi về phía xe tuần tra với vẻ tức giận và hét lên “giết tôi đi”. Vụ việc này chắc chắn sẽ khiến bầu không khí tại bang Missouri trở nên nóng hơn sau những căng thẳng liên quan đến Michael Brown - một thanh niên da màu, bị cảnh sát bắn chết giữa ban ngày trên một tuyến phố tại Ferguson.
Lực lượng vệ binh quốc gia tới Ferguson “hạ nhiệt” căng thẳng.
Lực lượng vệ binh quốc gia tới Ferguson “hạ nhiệt” căng thẳng.
.Mặc dù ông James Knowles - Thị trưởng Ferguson khẳng định, không có phân biệt chủng tộc tại đây nhưng rõ ràng, vụ việc tiếp tục làm dấy lên một cuộc tranh luận toàn quốc về vấn đề chủng tộc tại Mỹ, vốn chưa bao giờ lắng dịu trong nhiều năm qua. Thậm chí, các cáo buộc về việc phân biệt đối xử có hệ thống đối với các cộng đồng thiểu số xuất hiện ngày càng nhiều cùng sự tham gia đấu tranh tích cực của nhiều nhân vật nổi tiếng là người da màu, người nhập cư. Một cuộc thăm dò dư luận được công bố hôm 19/8 bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington cho thấy, 80% người Mỹ gốc Phi tin rằng, cái chết của Brown đã làm dấy lên những vấn đề quan trọng về phân biệt chủng tộc.

Thực ra, những gì đang diễn ra tại Ferguson không mới khi thị trấn có 22.000 người dân tại bang Missouri này dần chuyển đổi từ một nơi có phần lớn dân số là người da trắng sang chủ yếu là người da đen. Trong quá khứ, thị trấn này và một số đô thị khác trên khắp nước Mỹ đã nhiều lần trải qua các cuộc bạo động vì nạn phân biệt chủng tộc. Tháng 2/2012, vụ Trayvon Martin - một thiếu niên da đen 17 tuổi bị bắn chết trong cuộc xô xát tại Sanford, Florida đã làm dấy lên làn sóng phản đối nạn phân biệt chủng tộc lớn chưa từng có trong lòng nước Mỹ. Nghiêm trọng hơn, khi tòa án ra phán quyết tha bổng người đã bắn chết Trayvon Martin, phong trào biểu tình "Công lý cho Trayvon" đã diễn ra tại hơn 100 TP trên toàn nước Mỹ. Nhằm xoa dịu tình hình, trong một cuộc họp báo bất thường hồi cuối tháng 7/2013, Tổng thống Barack Obama đã thừa nhận, nhiều người da đen ở Mỹ đã phải trải qua sự phân biệt đối xử vì chủng tộc: "Chúng ta cố gắng thay đổi luật pháp để làm sao điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Khi Trayvon Martin bị bắn, tôi nói đó có thể là con trai tôi. Nói cách khác, Trayvon Martin có thể là chính tôi 35 năm trước".

Đúng như Tổng thống Obama thừa nhận trong một lá thư viết tay hiếm hoi năm 2013, nỗi đau của người Mỹ gốc Phi trong vụ Trayvon Martin là một phần của "một lịch sử vẫn chưa thể chấm hết", những gì diễn ra tại bang Missouri rất có thể sẽ lặp lại vào bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi nào trên nước Mỹ. Vì thế, để ngăn chặn những thảm kịch bắt nguồn từ vấn đề phân biệt chủng tộc, chính quyền liên bang và các bang còn rất nhiều việc phải làm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần