Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/11, thảo luận về Luật Đầu tư công (sửa đổi), các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, một trong những điểm mấu chốt trong việc sửa đổi Luật lần này là phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong thực hiện các dự án đầu tư công.

Rút ngắn thủ tục

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, qua giám sát, các địa phương phản ánh quy trình của luật đối với đầu tư công đang là rào cản, kéo dài thời gian, chi phí, nguồn lực. Điển hình là trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn… Trình tự của thủ tục này cũng rất phức tạp, do hầu hết các dự án đều phải gửi hồ sơ về T.Ư để thẩm định, nên mất nhiều thời gian và lúng túng. Do vậy, ĐB đề nghị trong lần sửa đổi này cần rà soát và loại bỏ những quy trình, thủ tục không cần thiết để tạo thuận lợi cho các địa phương trong triển khai các dự án.
Trong khi đó, ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) kiến nghị, cần tăng chủ động, tự chịu trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương. Cụ thể nên giao tổng mức đầu tư cho các bộ ngành, địa phương kèm theo tiêu chí, điều kiện, căn cứ vào đó địa phương sẽ quyết định chọn dự án nào, theo đúng tiêu chí mà T.Ư phân bổ. Các đơn vị sẽ chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết và báo cáo về T.Ư để theo dõi, kiểm tra giám sát, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo ĐB Trần Văn Tiến (Nam Định), nên quy định tổng mức đầu tư, tỷ lệ phần trăm bao nhiêu thì giao cho Thủ tướng Chính phủ, còn dưới mức nào thì giao cho cấp dưới (HĐND các cấp). HĐND có thể họp thêm 2 cuộc họp/kỳ hoặc họp bất thường nhiều hơn để quyết định chủ trương đầu tư.

Nâng cao hiệu quả đầu tư

Phản ánh về những bất cập trong quản lý ngân sách, ĐB Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) dẫn chứng: “Một dự án chỉ 3 tỷ đồng mà một địa phương từ miền Trung xa xôi phải ăn trực nằm chờ ở Hà Nội hàng năm trời mà thủ tục chưa xong”. Theo ĐB, ngân sách hiện nay do 2 cơ quan quản lý là Bộ KH&ĐT quản lý chi đầu tư còn Bộ Tài chính quản lý chi thường xuyên nên chồng chéo, thiếu nhất quán, từ đó làm giảm hiệu quả chi và sử dụng NSNN còn phân tán, co kéo trong xây dựng kế hoạch, dự báo nguồn thu và nhu cầu chi. Cũng theo ĐB, lập kế hoạch đầu tư, phân bổ ngân sách do Bộ KH&ĐT chủ trì thiếu sự gắn kết với khả năng cân đối thu NS, khả năng vay trả nợ và thiếu sự theo dõi sau đầu tư.

Tiếp thu ý kiến của các ĐB, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, quan điểm sửa luật lần này để khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí, quản lý chặt chẽ gắn với hiệu quả đầu tư công. Cố gắng làm sao đơn giản hóa quy trình thủ tục và không "đẻ" ra thủ tục mới. Tăng cường kỉ luật kỉ cương, và công tác hậu kiểm. Với quan điểm như vậy, Phó Thủ tướng đồng tình, phải có phương án giao vốn để có thể triển khai sớm các dự án, và phải tăng cường phân cấp triệt để, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Hoàn thiện thể chế đầu tư công, đảm bảo hiệu quả phù hợp thông lệ quốc tế, công khai minh bạch thông tin, tăng cường giám sát, đặc biệt là xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức đối với hiệu quả đầu tư.