Phấn đấu đến năm 2018, Hà Nội có 80% xã nông thôn mới

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/1, Ban Chỉ đạo Chương trình 2-CTr/TU tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân”, triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 TP và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu.

Mặc dù là năm đầu tiên thực hiện Chương trình 02 của giai đoạn mới, lại trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song kết quả đạt được của Hà Nội vượt xa so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2016, TP có thêm huyện Đông Anh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số huyện NTM lên 2 huyện.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị.
Ngoài ra, hồ sơ xét công nhận 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức cũng đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đối với cấp xã, năm 2016, Hà Nội có thêm 54 xã đạt chuẩn NTM, tăng 32 xã so với kế hoạch TP đề ra, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM đến nay là 255/386 xã (chiếm 66,06%).

Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường. Trong năm 2016, các huyện, thị xã và các xã đã tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu. Do vậy, hầu hết các tiêu chí về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đều tăng so với 2015. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương kết quả rất đáng phấn khởi của Chương trình 02 đã đạt được. Đồng thời nhấn mạnh, năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI nên ngay từ đầu năm, Thành ủy đã ban hành Chương trình 02 từ rất sớm và chỉ đạo quyết liệt thực hiện.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen của UBND TP cho các xã đạt chuẩn NTM năm 2016.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, một trong 10 sự kiện nổi bật, thành tích đáng phấn khởi của TP năm 2016 chính là kết quả xây dựng NTM. Có được kết quả ấy là nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới. Cụ thể, từ TP đến cấp cơ sở đã chủ động triển khai sớm, ban hành văn bản chỉ đạo kịp thời, tạo căn cứ triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đồng thời có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình 02 vẫn còn những hạn chế nhất định như phát triển sản xuất nông nghiệp còn manh mún, tốc độ tái cơ cấu chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa vững chắc, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp hiệu quả còn chưa như mong muốn. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đô thị còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện như Phú Xuyên, Ba Vì còn cao…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, nhiệm vụ năm 2017 là khá nặng nề, do đó cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình 02. Cụ thể, đối với sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu hợp lý, tăng nhanh diện tích hoa, cây cảnh, rau an toàn, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, có ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.

 
Trong đó, rà soát lại chính sách khuyến khích và liên kết với các trường, viện tăng cường nghiên cứu ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. TP giao trách nhiệm cho Sở NN&PTNT xây dựng ít nhất một khu, vùng, mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao và mỗi huyện có ít nhất 1 điểm, mô hình ứng dụng KHCN, công nghệ sinh học trong nông nghiệp.
Đối với xây dựng NTM, yêu cầu của chương trình ngày càng cao theo bộ tiêu chí mới. Cụ thể các xã phải đầy đủ 100% 19 tiêu chí mới được công nhận NTM và không còn nợ xây dựng cơ bản. Đối với cấp huyện cũng phải có 100% xã đạt chuẩn NTM mới được công nhận huyện NTM.

Do đó các huyện, thị xã cần rà soát lại việc đăng ký chỉ tiêu NTM có trọng tâm, trọng điểm, không rải mành mành. Đối với nâng cao đời sống nông dân, tiếp tục đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các công trình, nhất là phát huy hiệu quả của nhà văn hóa để thực sự là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nông thôn. Phấn đấu đến năm 2018, Hà Nội sẽ có 80% xã đạt chuẩn NTM, về đích trước thời hạn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI đề ra và giữ vững vị thế đi đầu cả nước về xây dựng NTM.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã trao Bằng khen của UBND TP cho 54 xã đạt chuẩn NTM năm 2016.