Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt – Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tháng 1 và những ngày đầu tháng 2 năm 2013, tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt (GTĐS) có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn GTĐS giảm so với cùng kỳ gần 20%, số người bị chết giảm trên 40%.
Riêng đợt cao điểm vận tải Tết Nguyên đán (từ ngày 9 – 18/2/2013 tức từ ngày 29/12 – 9/1 Âm lịch), cả nước xảy ra 6 vụ tai nạn GTĐS, làm 6 người chết và 2 người bị thương (giảm 20,5% số vụ, số người chết và số người bị thương không tăng so với cùng kỳ năm 2012). Đáng chú ý là số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng cũng giảm 33,3%.
Ảnh minh họa.
Theo ông Phạm Văn Bình, năm 2013- năm an toàn giao thông với chủ đề “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”, Đường sắt Việt Nam phấn đấu giảm ít nhất 7% tai nạn GTĐS so với năm 2012 ở cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người bị chết và số người bị thương.
Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ những ngày đầu năm, ĐSVN đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp như tổ chức triển khai có hiệu quả các công trình, dự án đảm bảo an toàn GTĐS, đặc biệt là dự án xây dựng mới 3 cầu đường bộ tách khỏi đường sắt tại Thị Cầu, Tam Bạc và Đồng Nai. Ưu tiên xây dựng đường gom, hàng rào đường gom, hàng rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang an toàn GTĐS, tạo điều kiện cho các địa phương đóng các lối đi dân sinh bất hợp pháp để giảm dần số lượng giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ. Ngoài ra, ngành còn tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt trong các dịp lễ, tết... để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm và kịp thời phân tích, quy kết trách nhiệm trong việc để xảy ra các vụ sự cố, tai nạn GTĐS và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm… nên tai nạn GTĐS đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, theo ông Bình, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Muốn giữ vững và giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt một cách bền vững, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo các cấp cũng như toàn ngành đường sắt, Đường sắt Việt Nam rất cần sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà trường đồng thời mọi người dân phải tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt, kiên quyết “nói không với vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt”.