Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phấn đấu thu hút 500 triệu USD vốn FDI

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2013, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thu hút 7 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD.

Trong số đó hiện có 2 dự án đang xúc tiến là Dự án đầu tư mở rộng cảng biển Hải Hà (150 triệu USD) và Nhà máy sản xuất tinh chế đất hiếm (35,5 triệu USD).

Phấn đấu thu hút 500 triệu USD vốn FDI - Ảnh 1
 
Đóng gói bao bì tại Công ty sản xuất nến AID, Khu công nghiệp Cái Lân. (Nguồn: baoquangninh.com.vn)
 
Ngoài ra, một loạt các dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn đang được các nhà đầu tư nước ngoài khẩn trương chuẩn bị đầu tư như: dự án Đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, dự án đường dẫn và cầu Bắc Luân II, dự án sân bay quốc tế Vân Đồn, dự án trung tâm thương mại và siêu thị Big C… bằng các hình thức đầu tư FDI, BOT, BT, ODA.

Quảng Ninh cương quyết không tiếp nhận các dự án có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ lạc hậu, gia công đơn giản, ảnh hưởng tới môi trường. Tỉnh nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi các dự án có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trong đó hướng tới thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản vào các khu công nghiệp tập trung như khu công nghiệp Việt Hưng, Đông Mai.

Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ-công nghiệp vào năm 2020 và tiến cao hơn một bước là tỉnh dịch vụ-công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu phát triển trong vòng 8 năm tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ phải thu hút khoảng 804.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 127% GDP kế hoạch của tỉnh trong giai đoạn 2013-2020; trong đó, nguồn vốn đầu tư FDI đóng góp khoảng 50%.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính cho biết, tỉnh coi trọng cải thiện toàn diện môi trường đầu tư từ tư duy, cách tiếp cận, tổ chức xúc tiến đầu tư đến chính sách thu hút, góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư FDI, ODA và vốn từ khu vực tư nhân vào Quảng Ninh một cách tích cực, hài hòa, hợp lý, khoa học và hiệu quả.

Quảng Ninh kêu gọi đầu tư vào tỉnh đến năm 2020 gồm 18 dự án tập trung vào 5 lĩnh vực chính: du lịch và dịch vụ giải trí; cảng biển, cửa khẩu và hệ thống logistics; thương mại; cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Để mời gọi các nhà đầu tư, tỉnh cam kết: áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong thời hạn 15 năm và được miễn 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo cho phần thu nhập từ dự án đầu tư mang lại. Quảng Ninh còn cam kết sẽ chịu trách nhiệm tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng bằng tiền thuê đất do nhà đầu tư ứng trước cũng như tạo điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, lao động, thủ tục hành chính.

Năm 2012, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Quảng Ninh ghi dấu ấn khởi đầu là sự kiện “Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh 2012”, thu hút trên 500 đại biểu là các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, đầu tư quốc tế. Kết quả là 19 bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài được ký kết và hàng chục đoàn các nhà đầu tư nước ngoài như Mỹ, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... đến Quảng Ninh tìm hiểu đầu tư.

Tiếp đó, Quảng Ninh đã chứng tỏ quyết tâm cải cách mạnh mẽ bằng việc thành lập Cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) mang tính chuyên nghiệp và hiện đại cao hơn để thực hiện công tác xúc tiến, hỗ trợ nhà đầu tư. Không lâu sau, tỉnh này đã cấp giấy phép cho một nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ sau 24 giờ nhà đầu tư nộp hồ sơ. Đó là dự án Nhà máy sợi tại khu công nghiệp Hải Yên, thành phố Móng Cái của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long (Hong Kong) với số vốn đăng ký 300 triệu USD. Đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh hiện nay. Kế tiếp là dự án Nhà máy xay lúa mỳ của VFM - Wilmar (Singapore) với vốn đầu tư 47 triệu USD.

Sự cải cách mạnh mẽ đó đã đem lại một năm thành công vang dội cho Quảng Ninh về thu hút vốn đầu tư FDI và tạo đà cho các năm kế tiếp. Kết thúc năm 2012 trên địa bàn Quảng Ninh có hơn 90 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 4,1 tỷ USD. Năm 2012, mặc dù kinh tế trong nước và thế giới nhiều khó khăn, nhưng số dự án và số vốn đầu tư FDI của Quảng Ninh đạt trên 412 triệu USD, tăng gấp 15 lần so với năm 2011.

Khối doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh có những đóng góp quan trọng trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như: nộp ngân sách được 691,3 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 352 triệu USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 628,6 triệu USD… Nhiều dự án đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương.