>>> Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đột phá là phải tái cơ cấu nông nghiệp
Trước câu hỏi về giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy tiêu thụ, hiện đại hóa nông nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất để tập trung vào những mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam. Tổ chức lại sản xuất để hình thành các chuỗi kết nối người sản xuất với thị trường trong và ngoài nước. Liên quan đến chủ trương xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng thừa nhận, đây là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, nhưng có thể thực hiện được một cách có hiệu quả nếu có nhận thức đúng, quyết tâm cao và cách làm đúng. Trả lời câu hỏi, có hay không nhóm lợi ích làm tổn hại đến lợi ích của nông dân? Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, Bộ kiên quyết phản đối mọi hình thức nhóm lợi ích hoạt động trái pháp luật hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật làm tổn hại đến lợi ích của nông dân. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có cơ sở để xác định những nhóm như vậy trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.
Về chủ trương thu mua, tạm trữ lương thực phải đảm bảo cho người nông dân trồng lúa có lãi tối thiểu là 30%, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, biện pháp tạm trữ là giải pháp tình thế, chứ không phải là biện pháp căn cơ để giải quyết mọi vấn đề của thị trường lúa gạo. Cũng theo Bộ trưởng, mặc dù chúng ta có chủ trương giữ 3,8 triệu héc ta đất lúa, nhưng không nhất thiết trên đất lúa là phải trồng lúa mà có thể trồng những cây trồng khác có thị trường và đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân.
Tham gia trả lời về vấn đề giao đất và thời hạn giao đất cho nông dân, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng Dự thảo Luật Đất đai 2003 (sửa đổi) theo hướng tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, theo luật cũ là 20 năm và nay đề nghị lên 50 năm để đảm bảo cho người được giao đất yên tâm ổn định sản xuất, tránh các thủ tục không cần thiết khi hết thời hạn quy định thời hạn 20 năm. Đồng thời quy định 50 năm vẫn đảm bảo quyền thuộc sở hữu của Nhà nước.
Trả lời câu hỏi chính sách tín dụng đối với nông nghiệp và nông thôn, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, từ năm 2008 đến nay, tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn tăng trung bình khoảng 20%/năm. Sắp tới, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và NHNN sẽ tăng cường phối hợp để phát huy hiệu quả các chính sách về hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn, chính sách đối với đồng bào, đối với nông dân.