Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phân hóa “tam giác vàng” bất động sản vùng ven

Gia Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng Nai, Long An, Bình Dương từng được giới kinh doanh địa ốc phía Nam đánh giá như “tam giác vàng” của thị trường bất động sản (BĐS).

Sau một thời gian trầm lắng, bộ ba này đang hồi phục mạnh mẽ, cùng với đó là sự phân hóa rõ rệt về số lượng dự án cũng như tính thanh khoản của thị trường.

Đồng Nai, Long An trỗi dậy

Không sôi động như TP Hồ Chí Minh, thậm chí đã có những thời điểm trầm lắng đến mức các nhà đầu tư phải "ghê tay" trước quyết định "xuống tiền". Tuy nhiên, với sự trở lại của thị trường BĐS cùng lợi thế "sân sau" của trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước, thị trường BĐS Long An, Đồng Nai thời gian qua đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ.
Phối cảnh Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng - Biên Hòa - Đồng Nai.
Phối cảnh Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng - Biên Hòa - Đồng Nai.
Theo các chuyên gia, đây là động thái “ăn theo” quy hoạch kết nối với Sài Gòn. Nhiều DN, nhà đầu tư đã rót vốn vào Đồng Nai, Long An và chờ đợi các địa phương này kết nối sâu rộng với TP Hồ Chí Minh thông qua mô hình đô thị vệ tinh. Theo đó, với xu thế giãn dân trước áp lực dân số gia tăng và chiến lược liên kết vùng trong phát triển kinh tế, những địa phương này có chiến lược xây dựng hệ thống giao thông, hạ tầng đồng bộ, tạo ra một diện mạo mới trong quy hoạch. Đây chính là kỳ vọng của giới đầu tư địa ốc trước sự trỗi dậy của thị trường BĐS ven Sài Gòn.

 Trên thực tế, tại Đồng Nai, với hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới như đường cao tốc nối TP Hồ Chí Minh với Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã khởi động, đặc biệt là Sân bay quốc tế Long Thành đã tạo nên động lực mạnh mẽ cho thị trường BĐS. Theo Sở KH&ĐT Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 200 dự án BĐS lớn nhỏ, trong đó có gần 10 dự án vốn đầu tư từ vài trăm triệu USD trở lên.

Trong khi đó, tại Long An, bên cạnh tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đi vào khai thác, nhiều dự án hạ tầng giao thông cũng đang được khởi động. Với vị thế "yết hầu" của miền Tây Nam Bộ, thị trường BĐS Long An thời gian qua cũng tạo nên hấp lực rất lớn đối với các nhà đầu tư. Theo ghi nhận, ngày càng nhiều “anh hào” đổ bộ vào thị trường hứa hẹn tiềm năng lớn này. Đơn cử có thể thấy những thương hiệu lớn như Phúc Khang, Nam Long, Thanh Yến... đã cùng góp mặt. Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của “lực lượng tại chỗ” mà nổi bật là Công ty Địa ốc Cát Tường Đức Hòa với một loạt dự án đình đám như Cát Tường Phú Thạnh, Cát Tường Phú Nam, Cát Tường Phú Nguyên... đang tạo nên “cơn sốt” trên thị trường hiện nay. Chẳng hạn như, dự án khu đô thị Thương mại, Dịch vụ & Du lịch sinh thái Cát Tường Phú Sinh vừa mở bán thành công đợt 1 với hơn 1.000 khách hàng tham dự.

Bình Dương im ắng bất ngờ

Từng được coi là một trong những thị trường tiềm năng bậc nhất bên cạnh TP Hồ Chí Minh, thế nhưng, đáng ngạc nhiên là thời gian qua, thị trường BĐS Bình Dương lại trở nên im ắng đến lạ thường. Bởi ngay từ đầu năm 2014, khi thị trường BĐS có dấu hiệu hồi phục, BĐS Bình Dương đã được giới chuyên môn kỳ vọng và dự đoán sẽ có sự đột phá. Thế nhưng, kể từ khi Bình Dương chính thức “dời đô” về TP mới đến nay, thị trường BĐS nơi đây dường như bị đóng băng về giao dịch. Ngoài Công ty Địa ốc Kim Oanh, những tên tuổi khác từng “vang bóng một thời” tại Bình Dương như Tấc Đất Tấc Vàng, Đất Xanh… hầu như không có động tĩnh gì trong việc chào bán sản phẩm ra thị trường.

Trao đổi với phóng viên, giám đốc một công ty môi giới BĐS tại Bình Dương cho rằng, sự sôi động của thị trường tỉnh này trong những năm qua chủ yếu nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư đến từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kể từ nửa cuối năm 2015 đến nay, cùng với sự trỗi dậy của Long An và Đồng Nai, thị trường BĐS Bình Dương gần như “bất động” hoàn toàn. “Dù rất tâm huyết với thị trường BĐS Bình Dương nhưng chúng tôi đành phải rời bỏ thị trường này để chuyển hoạt động về địa bàn khác” - vị giám đốc này bộc bạch.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Bình Dương hiện có khá nhiều nhà đầu tư rao bán sản phẩm được mua từ trước, chấp nhận lỗ từ 20 - 30% giá trị, nhưng không tìm được khách hàng. Trước thực tế này, theo nhận định của giới chuyên môn, mặc dù vẫn có nhiều tiềm năng, nhưng để lấy lại vị thế vốn có, Bình Dương vẫn phải cần thêm thời gian...q
Áp lực dân số là cơ hội

Phân hóa “tam giác vàng” bất động sản vùng ven - Ảnh 1Trước áp lực về sự gia tăng dân số của TP Hồ Chí Minh, xu hướng giãn dân để hình thành các khu đô thị vệ tinh là tất yếu; cùng với đó, bất động sản (BĐS) vùng ven đang trở thành kênh đầu tư phù hợp với sự vận động của thị trường. Đây là nhận định của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Châu, thách thức lớn nhất của thị trường chính là việc gia tăng nhu cầu nhà ở rất lớn của các tầng lớp dân cư trước tốc độ gia tăng dân số cơ học. Thực tế cho thấy, với quy mô dân số TP Hồ Chí Minh khoảng 10 triệu người (dự báo đến năm 2020 vào khoảng trên 12 triệu người), nên mỗi năm TP Hồ Chí Minh có khoảng 100.000 hộ gia đình cần có nhà ở mới. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành BĐS, số lượng căn hộ hiện chỉ đáp ứng khoảng 15 – 20% nhu cầu thực tế.

Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn đầu tư đất vùng ven đang trở thành kênh đầu tư phù hợp với xu hướng vận động tất yếu của thị trường BĐS. Quan sát thị trường thời gian qua cho thấy, nhiều dự dán BĐS tại khu vực ven đô đang ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Đặc biệt là tại Long An và Đồng Nai (các địa phương đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng dự án cũng như tính thanh khoản), cùng với xu thế đi lên của thị trường BĐS, khả năng hút vốn và lôi kéo những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính mạnh đến với thị trường 2 tỉnh này là rất sáng sủa.

Bên cạnh đó, tâm lý khách hàng cơ bản đã ổn định, nhiều nhà đầu tư thứ cấp cũng đã "tề tựu" về đây, khi thị trường đang cho thấy sức hồi phục và vươn lên mạnh mẽ; trong đó, phân khúc đất nền, nhà phố đang là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.
Việt Tâm ghi