Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phần mềm “Kiềng ba chân”: Công cụ xác minh hành vi phạm tội mới

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để xác minh một người có hành vi phạm tội mới hay không, nếu Sở Tư pháp chỉ tiến hành xác minh thông tin đương sự có bị khởi tố hay không tại UBND cấp xã/công an cấp xã để cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) là chưa đủ thông tin. Do đó, cần các biện pháp khác để đảm bảo chính xác thông tin trên Phiếu LLTP cấp cho công dân.

 Công dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: Thái San
Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, một trong những điều kiện đương nhiên được xóa án tích là người bị kết án không có hành vi phạm tội mới theo thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này. Để xác định một người có hành vi phạm tội mới, theo quy định tại Khoản 1, Khoản 4, Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Sở Tư pháp căn cứ vào quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra (CQĐT) đã được Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) cùng cấp phê chuẩn hoặc quyết định khởi tố bị can của VKSND theo quy định. Ngoài ra, để xác định một người có thực hiện hành vi phạm tội mới hay không còn phải căn cứ vào một số quyết định khác của cơ quan tiến hành tố tụng, như: Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can; quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; quyết định phục hồi điều tra, phục hồi vụ án... Như vậy, trường hợp người từng bị kết án có hành vi phạm tội mới thì Sở Tư pháp cũng phải xem xét về tiến trình tố tụng của người đó để thực hiện cấp Phiếu LLTP được chính xác, đầy đủ.

Trong khi đó, theo Điều 4 Luật Tổ chức CQĐT hình sự 2015, có 3 hệ thống cơ quan điều tra, bao gồm: CQĐT của Công an Nhân dân; CQĐT trong Quân đội Nhân dân; CQĐT của VKSND tối cao. Ngoài ra, tại Điều 9 Luật này còn có 7 nhóm các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, như: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng; Hải quan; Kiểm lâm; Kiểm ngư; Cảnh sát biển; một số cơ quan của CAND, quân đội Nhân dân.

Do đó, nếu thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/1/2010 của Chính phủ và Điều 25 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012, Sở Tư pháp chỉ tiến hành xác minh thông tin đương sự có bị khởi tố hay không tại UBND cấp xã/Công an cấp xã là chưa đủ thông tin. Bởi hầu như CQĐT không gửi quyết định khởi tố bị can đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn về nơi cư trú của bị can.

Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia Hoàng Quốc Hùng cho biết, Trung tâm phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an tỉnh thực hiện tra cứu, xác minh và trả kết quả cho Sở Tư pháp khi có yêu cầu, trong đó có thông tin về hành vi phạm tội mới (nếu đương sự có hành vi này). Theo đó, để bảo đảm sự chính xác, khách quan, toàn diện trong cấp Phiếu LLTP, đề nghị Sở Tư pháp thực hiện việc chuyển các hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua Phần mềm hỗ trợ tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP (phần mềm “Kiềng ba chân”) để Trung tâm LLTP quốc gia phối hợp với Cục V06, Bộ Công an và Công an tỉnh tra cứu, xác minh và trả kết quả trong đó có thông tin về hành vi phạm tội mới.

Còn trong việc xem xét hành vi phạm tội mới trong việc xác định điều kiện đương nhiên được xóa án tích, theo ông Hùng, trường hợp người bị kết án sẽ được đương nhiên xóa án tích nếu: Không có hành vi phạm tội mới trong thời gian có án tích; Trường hợp có hành vi phạm tội khác xảy ra trước hoặc sau thời hạn đang có án tích về tội đó theo quy định của BLHS 2015.

Trường hợp người đang có án tích về một tội mà có hành vi phạm tội mới trong thời hạn đang có án tích về tội đó theo quy định của BLHS 2015 thì chưa đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Sở Tư pháp thực hiện cấp Phiếu LLTP với tình trạng án tích là “Có án tích” đối với tội đó theo quy định.