Tham dự phiên chất vấn có Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo.
Bước đầu tạo chuyển biến
Thay mặt UBND TP, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đã báo cáo tình hình thực hiện kết luận phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP (Khóa XIV), trong đó tập trung trả lời vào 4 nhóm vấn đề: Kinh tế - ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; đô thị và trật tự xã hội; văn hóa - xã hội và dân sinh (chợ, nước sạch, nông thôn) và nhóm vấn đề quản lý đất đai, GPMB. Theo ông Vũ Hồng Khanh, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP, các cấp, các ngành chức năng của TP đã vào cuộc giải quyết và bước đầu tạo sự chuyển biến trên một số lĩnh vực như hỗ trợ doanh nghiệp, GPMB, nước sạch…
Đánh giá cao những kết quả thực hiện sau chất chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, nhưng đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) vẫn bày tỏ sự băn khoăn về điều kiện an toàn của các cây xăng và trách nhiệm của các lực lượng chức năng khi để xảy ra các sự cố nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết: Cùng với các giải pháp tích cực về tăng cường công tác quản lý Nhà nước, quản lý chặt việc cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu, khí gas, TP đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng cháy, tuyên truyền để người dân nhận thức và có chuyển biến trong hoạt động, đặc biệt là tự giác trong PCCC.
Liên quan các trung tâm thương mại (TTTM), chợ dân sinh, ĐB Nguyễn Thị Thùy (Gia Lâm) đặt vấn đề phải có phương thức quản lý cho hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, tránh tình trạng như TTTM Cửa Nam hay Hàng Da. Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết, TP đã quyết định dừng việc chuyển các chợ dân sinh thành các TTTM bởi trong thời điểm hiện nay, các chợ dân sinh chưa nhất thiết phải chuyển sang vì liên quan đến thói quen, điều kiện sinh hoạt, thu nhập của người dân. Đối với các chợ dân sinh kết hợp với TTTM, TP đã chỉ đạo tập trung tạo điều kiện cho chủ kinh doanh ra phía ngoài, để có thể tiếp cận được với người tiêu dùng, đồng thời từng bước xây dựng văn minh thương mại.
Chỉ đạo quyết liệt, nợ xây dựng cơ bản vẫn tăng
Là thành viên UBND TP đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, Giám đốc Sở KH&ĐT Ngô Văn Quý nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến nợ xây dựng cơ bản (XDCB) và các dự án BT.Về tình trạng nợ XDCB, ông Ngô Văn Quý cho biết, số nợ tại thời điểm 30/6 so với thời điểm 31/12/2012 tăng 486 tỷ đồng (17,6%). Trong đó, có tới 11 huyện có tỷ lệ nợ XDCB trên 50% tổng vốn XDCB phân cấp hàng năm, điển hình như Ba Vì 181%, Phúc Thọ 181%, Phú Xuyên 180%... Thậm chí, tại hai huyện Đan Phượng và Phúc Thọ dù chưa được bố trí vốn nhưng vẫn triển khai nhiều dự án với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Trên cơ sở phân tích cụ thể nguyên nhân gây ra tình trạng trên, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết nhóm giải pháp mà TP đang triển khai để xử lý và khắc phục là tập trung xử lý thanh toán khối lượng XDCB vượt kế hoạch đã thực hiện, tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng và bố trí kế hoạch vốn đảm bảo tập trung, tránh dàn trải.
Không hài lòng với giải trình này, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Tây Hồ) đặt câu hỏi: Tại sao nợ XDCB vẫn tăng trong khi TP đã liên tục cảnh báo và chỉ đạo cụ thể. Có hay không sự chủ quan của các cấp, các ngành, trong khi năm 2013 là Năm kỷ cương hành chính. Các ĐB Nguyễn Xuân Diên (Ứng Hòa), Nguyễn Văn Nam (Thanh Trì) cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm cụ thể và các giải pháp khắc phục.
Lý giải về tình trạng này, ông Ngô Văn Quý phân tích, do tình hình khó khăn về kinh tế, thị trường BĐS đóng băng, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất hụt so với dự toán. Hơn nữa, trong quá trình triển khai dự án, phía chủ đầu tư mong muốn đẩy nhanh tiến độ dự án, nhà thầu muốn có việc làm và tự nguyện ứng vốn thi công, do vậy dẫn đến tình trạng khối lượng thực hiện vượt kế hoạch vốn giao. Ông Ngô Văn Quý thẳng thắn thừa nhận, TP đã tích cực chỉ đạo, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Trong thời gian tới, UBND TP sẽ quyết liệt hơn nữa, thực hiện nghiêm kỷ cương, yêu cầu các quận, huyện phải kiểm điểm nghiêm túc, có phương án trả nợ và nếu chưa trả xong, sẽ không bố trí dự án mới, trừ các trường hợp bức thiết.
Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt vừa nêu câu hỏi, đồng thời gợi mở bổ sung thêm nguyên nhân về nhận thức của một số người đứng đầu các đơn vị về công tác này. Bởi qua kiểm tra, giám sát, có lãnh đạo huyện vẫn cho rằng doanh nghiệp có vốn tự bỏ ra làm, "bao giờ huyện có tiền thì trả cũng được". Điều này đã dẫn đến số nợ công tăng, phát sinh khiếu kiện. Bên cạnh đó, phải khắc phục tình trạng cứ ra văn bản chỉ đạo là xong mà thiếu sự kiểm tra xem sau đó có chuyển biến không
Liên quan đến các dự án BT, các ĐB Nguyễn Đình Dương (Từ Liêm), Nguyễn Xuân Diên, Nguyễn Hoài Nam đều bày tỏ sự băn khoăn về hiệu quả đầu tư, xử lý trách nhiệm cụ thể với những đơn vị vi phạm và hệ lụy từ các dự án bị dừng, bị chậm thế nào?
Ông Ngô Văn Quý cho biết, trên địa bàn có 63 dự án BT, trong đó 5 dự án đã hoàn thành, 7 dự án đã ký hợp đồng, còn lại 51 dự án đang trong giai đoạn đã phê duyệt đề xuất, hoặc đã lựa chọn xong nhà đầu tư, đang hoặc đã xong đàm phán hợp đồng hoặc đã được chấp thuận chủ trương. Tuy nhiên, trong 2 năm 2012 và 2013, các dự án BT đều triển khai chậm. Các dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán công trình BT và hợp đồng dự án. Các dự án đang triển khai cũng chậm tiến độ, ngoài dự án Trạm xử lý nước thải Hồ Tây đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Ông Ngô Văn Quý cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý hợp đồng trong công tác quản lý, triển khai các dự án BT. TP sẽ tăng cường quản lý, giám sát, đôn đốc nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án BT và quản lý cả nội dung triển khai các dự án đối ứng.
Phân tích thêm về hai nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh nhấn mạnh chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan, nhất là tình trạng nợ XDCB. Vì vậy, UBND TP cần chỉ đạo quyết liệt hơn, kiểm soát chặt chẽ, cùng sự chấp hành nghiêm túc của các đơn vị và có chế tài xử lý nghiêm những vi phạm.
Có lúc, có nơi còn buông lỏng quản lý
Trả lời chất vấn liên quan đến việc lấn chiếm đất công, xây dựng trên đất nông nghiệp; xử lý sai phạm các dự án "treo", sử dụng sai mục đích và trách nhiệm, giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết, năm 2013, Sở TNMT đã lập hồ sơ, trình TP thu hồi 12 đơn vị với hơn 947 ha; kết luận thanh tra và trình UBND TP lập hồ sơ thu hồi 3 dự án với trên 3,3 ha. Qua kiểm tra của các ngành chức năng, nhiều tổ chức được giao, cho thuê đất nhưng tiến độ triển khai rất chậm, để hoang hóa hoặc sử dụng không đúng mục đích. Trong thời gian tới, TP sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, thu hồi để phục vụ các dự án dân sinh. Đối với 261 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất công, đất nông nghiệp, đến nay, các địa phương đã xử lý được 201 trường hợp, còn lại Sở TNMT sẽ đôn đốc quận, huyện xử lý dứt điểm.Liên quan đến nội dung này, ĐB Phạm Xuân Tài (Thường Tín) và Nguyễn Nguyên Quân (Thanh Oai) đặt vấn đề có hay không sự buông lỏng quản lý, trong khi có đủ bộ máy hoạt động. Bên cạnh đó, việc cán bộ vi phạm lại được luân chuyển sang vị trí khác dẫn đến tình trạng "đánh bùn sang ao", xử lý không nghiêm?
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh khẳng định, quan điểm của TP là phải xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể nếu phát hiện vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm đất đai. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này có nhiều chuyển biến tích cực, giảm dần các vụ việc. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng đánh giá có lúc, có nơi vẫn còn buông lỏng quản lý nên vi phạm vẫn xảy ra. Về giải pháp khắc phục, UBND TP sẽ tiếp tục đẩy nhanh quy hoạch; tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng, cán bộ nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý đất đai, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vi phạm từ khi mới phát sinh; cương quyết xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn tại nhằm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực và quản lý đất đai.
Lo ngại về an toàn thực phẩm
Là người đăng đàn cuối cùng, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt nhận được khá nhiều sự quan tâm của các ĐB về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Trả lời của Phó Chủ tịch cùng các ý kiến minh họa thêm của giám đốc các sở Y tế và Công thương đều khẳng định công tác này của TP trong những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực. Dù đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, các ngành, nhưng nhiều ĐB vẫn thể hiện sự quan ngại trước tình trạng mất vệ sinh thực phẩm hiện nay từ cổng trường đến các chợ đầu mối.
Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cho biết, thời gian tới, TP sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm; đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn cho sản xuất, chế biến thực phẩm sạch; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề VSATTP.
Đại biểu Đỗ Trung Hai (Mỹ Đức) nêu câu hỏi chất vấn.
|
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá: Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, cầu thị, đã chỉ ra rõ những địa chỉ và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung thực hiện tốt các nội dung ĐB chất vấn; cử tri và ĐB HĐND tiếp tục giám sát, theo dõi kết quả công việc được thực hiện sau kỳ họp này |
ĐB Hồ Quang Lợi:Phiên chất vấn đạt kết quả tốt
Đánh giá phiên chất vấn, hầu hết các đại biểu HĐND đã phát huy được tinh thần trách nhiệm, nêu những câu hỏi trúng vấn đề. Phần trả lời của đại diện UBND TP cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nội dung đại biểu nêu, tuy một số câu trả lời còn chung chung… Những nội dung sôi nổi, đại biểu quan tâm là công tác quản lý đất đai, sử dụng sai mục đích, dự án chậm tiến độ… đã được đại diện UBND TP trả lời, làm rõ và có giải pháp xử lý được ghi nhận. Đáng chú ý, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã điều hành phiên chất vấn một cách linh hoạt để nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đi vào trọng tâm. Ngoài ra, kết thúc một nhóm vấn đề chất vấn, người điều hành đã tổng hợp, làm cho đại biểu hiểu rõ vấn đề nội dung; đồng thời đề nghị UBND TP thực hiện các biện pháp khả thi. Cá nhân tôi đánh giá, phiên chất vấn đạt kết quả tốt, đáp ứng những nội dung đại biểu quan tâm.
ĐB Nguyễn Xuân Diên:Nợ xây dựng cơ bản, gây hệ lụy xấu
Việc nợ XDCB gây hệ lụy xấu, công trình xây dựng dở dang không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, nhà đầu tư bức xúc không được thanh toán tiền, người dân bức xúc, vì lãng phí… Trong khi lấy đâu nguồn tiền để giải cho bài toán này (!?). Năm 2014, TP còn thiếu vốn, nhiều dự án phải giãn tiến độ. Vậy từ nay đến năm 2015, có hoàn nợ các DA dở dang không…? Đề nghị UBND TP phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu quyết định đầu tư làm sai và xử lý nghiêm thì mới tránh bức xúc cho doanh nghiệp và cử tri.
Cử tri Lê Sĩ Tứ (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm): Ngăn chặn chợ tạm, chợ cóc cần cụ thể, quyết liệt hơn
Trong phiên trả lời chất vấn ngày 5/12 của kỳ họp HĐND TP Hà Nội tôi thấy lãnh đạo TP đã có nhiều kiến giải về việc giải tỏa chợ tạm, chợ cóc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các giải pháp mà ngành công thương và TP đề ra trong thời gian vừa qua về xử lý các chợ cóc, chợ tạm đạt hiệu quả chưa cao. Các chợ cóc tiếp tục hoạt động, tình trạng tái lấn họp chợ sau khi giải tỏa vẫn diễn ra.
Trong thời gian qua, TP đã xây dựng, cải tạo một số chợ dân sinh qua đó dẹp tình trạng chợ tạm tràn lan. Tuy nhiên, những chợ này khi đi vào hoạt động lại không thu hút được các hộ tiểu thương. Điều đó cho thấy, TP cần có những giải pháp cụ thể, quyết liệt trong quản lý để chính quyền các cơ sở tăng cường công tác quản lý địa bàn, ngăn chặn tình trạng chợ tạm tràn lan như hiện nay.
Trọng Quý ghi
|