Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Pháo nổ dữ dội tại khu vực miền Đông Ukraine

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Ukraine và phe đối lập đã cáo buộc nhau khơi mào cuộc chiến và phá bỏ thỏa thuận hòa bình đã ký kết tại Minsk.

Ngày 9/11, chiến sự tại thành phố Donetsk miền Đông Ukraine đã bùng phát trở lại với nhiều loạt đấu pháo được bắn đi từ những địa điểm do quân đội Chính phủ và lực lượng đối lập kiểm soát. Đây là lần giao tranh dữ dội nhất giữa quân Chính phủ Ukraine và lực lượng đối lập ở Donetsk kể từ khi hai bên ký kết một thỏa thuận ngừng bắn mong manh cách đây hơn hai tháng.

 
Cuộc giao tranh kéo dài gần 8 giờ ở miền Đông Ukraine (ảnh: Getty)
Cuộc giao tranh kéo dài gần 8 giờ ở miền Đông Ukraine (ảnh: Getty)
Cuộc giao tranh kéo dài gần 8 giờ. Chính phủ Ukraine và phe đối lập đã cáo buộc nhau khơi mào cuộc chiến và phá bỏ thỏa thuận hòa bình đã ký kết tại Minsk.

Ông Andriy Lysenko, người phát ngôn Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine cho biết, đã có 3 binh sỹ quân đội Chính phủ thiệt mạng và 13 người bị thương trong cuộc giao tranh suốt ngày ngày 9/11. Ông Andriy Lysenko nói: “Báo cáo một lần nữa cho thấy, các tay súng vũ trang đã bắn đạn pháo về phía lực lượng chống khủng bố của Chính phủ từ nhiều hướng khác nhau. Khu vực sân bay Donetsk bị pháo kích 4 lần bởi pháo phòng không, đạn pháo từ xe tăng, súng phóng lựu và cả vũ khí hạng nhẹ”.

Còn Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), ông Boris Litvinov cáo buộc quân đội chính quyền Kiev đã bắn phá trung tâm thành phố Donetsk bằng việc rót pháo từ phía bắc ngoại ô, không xa sân bay.

Theo ông Litvinov, hôm 8/11, phía quân đội Kiev đã kéo gần 20 khẩu pháo 122 ly (mm) tới khu vực. Điều này là vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vốn có điều khoản cấm dùng pháo có cỡ nòng lớn hơn 100 ly trong phạm vi 30 km tính từ giới tuyến tạm thời trước khi ký thỏa thuận tại Minsl.

Cũng theo ông Litvinov, tình hình đang ngày càng tồi tệ và khó kiểm soát: "Tình hình đang trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Chúng tôi không có nguồn cung cấp thuốc men, tất cả đều phải nhập khẩu, nhưng bây giờ chúng tôi đang thiếu tiền để nhập khẩu lượng lớn các loại thuốc, trong đó có cả những loại thuốc cần thiết để điều trị cho những người bị thương”.

Động thái leo thang xung đột này diễn ra đúng tại thời điểm Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bày tỏ quan ngại về tình hình theo chiều hướng xấu đi ở Ukraine. Tổng thống Thụy Sỹ Didier Burkhalter, hiện là Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu cho biết, xung đột bùng phát trở lại ở khu vực miền Đông Ukraine có thể hủy hoại nỗ lực ổn định tình hình tại đây.

Trong bản báo cáo mới đây, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu nói rằng, đã nhìn thấy “một đoàn gồm 9 xe tăng không có mã số đang di chuyển về phía Tây Nam Donetsk. Báo cáo này công bố chỉ 1 ngày sau khi quân đội Ukraine tuyên bố đã phát hiện một đoàn xe tăng lớn cùng nhiều loại vũ khí hạng nặng khác đang tiến vào miền Đông nước này từ phía biên giới của Nga.

Theo ông Alexander Hug - Phó Phụ trách nhiệm vụ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu, Tổ chức này dự định sẽ cử thêm các quan sát viên tới Ukraine vào cuối năm nay.

"Chúng tôi đang có kế hoặc tăng số lượng các quan sát viên tại Ukraine lên 500 người vào cuối năm nay. Trong số này sẽ có 350 nhân viên được triển khai tại miền Đông Ukraine là Donetsk và Lugansk”, ông Alexander Hug nói.

Trong khi đó, Nga tiếp tục phủ nhận việc có liên quan đến bất kỳ hoạt động quân sự nào trong cuộc nội chiến ở miền Đông Ukraine, tái khẳng định cam kết tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn được ký kết giữa Chính phủ Kiev và lực lượng quân đối lập vào ngày 5/9. Đồng thời, Nga cũng là một bên chấp thuận và ký tên trong đàm phán hòa bình này.

Liên quan đến tình hình miền Đông Ukraine, phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng Nga hoan nghênh Mỹ tham gia giúp giải quyết khủng hoảng ở Ukraine.

Ông Lavrov nhìn nhận, quan điểm của Nga và Mỹ có sự khác biệt, nhưng nếu Mỹ thực sự muốn đóng góp vào tiến trình hòa giải và thiết lập đối thoại giữa chính quyền Kiev và quân đối lập ở miền Đông thì đó sẽ là “một bước đi đúng hướng”.

Về phần mình, ông Kerry bày tỏ hy vọng thỏa thuận Minsk về ngừng bắn ở miền Đông Ukraine sẽ vẫn được các bên tuân thủ. Ông cũng thông báo Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về chia sẻ thông tin về tình hình ở miền Đông Ukraine cũng như các cuộc đối thoại song phương.