Phạt 1 tỷ đồng nếu cho vay tiền qua App với lãi “cắt cổ”

Hà Thanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, các đối tượng cho vay tiền qua App với lãi suất "cắt cổ" có thể bị phạt tù và xử phạt hành chính lên tới 1 tỷ đồng.

 Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp
Thưa ông, hiện nay, loại hình vay tiền qua App đang phát triển mạnh về số lượng nhưng đáng lo ngại về mức độ uy tín. Làm thế nào để phân biệt đâu là App cho vay hợp pháp và đâu là App cho vay phạm pháp?
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển, song hành với nó là những chiêu trò lừa đảo vô cùng tinh vi. Điển hình là việc cho vay tiền qua App.
Bên cạnh các cho vay tiền App chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay, xuất hiện App cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Để phân biệt, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ... trước khi quyết định vay tiền qua App.
Về mặt pháp lý, vẫn chưa có quy định nào cụ thể để phân biệt App cho vay hợp pháp và App cho vay bất hợp pháp. Vì vậy, cần tìm hiểu kỹ các thông tin, tỉnh táo trước các chiêu trò tinh vi của các đối tượng lừa đảo.
Trên thực tế, không thiếu App cho vay hiện nay có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng như mức lãi "trên trời"... Tại sao những App này vẫn có thể ung dung tồn tại?
Sở dĩ những App này vẫn có thể ung dung tồn tại vì các đối tượng cầm đầu đã cố ý tạo ra những thông tin không rõ ràng. Các App cho vay không để mức lãi suất vượt mức quy định, khi đến kỳ hạn khách hàng không thanh toán thì sẽ bị dồn lãi vào các khoản phạt, mà mức phạt thế nào thì là thỏa thuận dân sự giữa hai bên mà chưa có quy định chung về mặt hình sự đối với thỏa thuận này.
Những đối tượng đứng sau các App có thể đã thuê hẳn một đội ngũ cố vấn am hiểu về chuyên môn, và nắm được các lỗ hổng của pháp luật để thực hiện các hành vi của mình mà không bị coi là vi phạm.
Khung hình phạt nào được quy định dành cho các đối tượng, tổ chức đứng sau các App với lãi suất cao, "khủng bố" người vay?
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các App cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay thì có thể bị xử lý như sau: Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại khoản 1, Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 1000.000.000 đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Theo khoản 2 Điều 201, nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng (1 tỷ đồng) hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tại khoản 3, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Thủ đoạn phổ biến của tổ chức đứng sau App cho vay khi người vay không trả lãi và gốc đúng hạn là gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ lên mạng xã hội... thậm chí có trường hợp người vay không chịu nổi áp lực đã tìm đến cách tự tử. Vậy có khung pháp lý nào bảo vệ cho người đi vay nếu gặp hiện tượng trên?
Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ lên mạng xã hội... có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, về tội làm nhục người khác .
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nặng hơn, có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an cấp huyện, kèm theo các chứng cứ chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra và giải quyết.
Khi vay tiền qua App, người vay cần chú ý những gì để đảm bảo quyền lợi cũng như hạn chế những rắc rối có thể xảy ra?
Để đảm bảo quyền lợi cũng như hạn chế rắc rối có thể xảy ra, người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,...) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch...
Cho vay qua App đang là hình thức khá phát triển tại Anh, Mỹ, Nhật Bản... Theo ông Việt Nam cần đưa ra chính sách gì nhằm tăng tính hợp pháp?
Trong khi các chính sách pháp lý chưa hoàn chỉnh thì loại hình vay này đã bị biến tướng với mức lãi suất “cắt cổ”. Tuy nhiên, mô hình cho vay qua App là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần đưa ra các quy chế về sự phối hợp giữa các công ty cho vay và ngân hàng để mở tài khoản thanh toán cho nhà đầu tư, khách hàng.
Cần có chế tài xử lý nghiêm khi phát hiện có ứng dụng hoạt động không phù hợp với ngành nghề doanh nghiệp đã đăng ký, đặc biệt hoạt động cấp tín dụng khi không đủ điều kiện.
Đồng thời, siết chặt việc thành lập công ty dưới hình thức là công ty tài chính, phải có đầy đủ giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần