Sáng 11/10, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phối hợp cùng Báo VnExpress, Công ty CP dịch vụ trực tuyến FPT và TikTok Việt Nam tổ chức chương trình phát động các hoạt động của chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức người dùng Internet tại Việt Nam mang tên “Chiến dịch Tin”.
Theo đó, "Chiến dịch Tin" có thông điệp "Tin trên mạng, tin cho đúng," mục tiêu của Chiến dịch là cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng tránh tin giả, thông tin xấu độc trên mạng đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm trong việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng.
“Chiến dịch Tin” được bắt đầu triển khai từ tháng 10 đến tháng 11/2023 bao gồm 2 hoạt động chính: Cuộc thi sáng tạo nội dung “Anti Fake News” và chương trình “Tinternet - Nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam”.
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do, cuộc thi sáng tạo nội dung “Anti Fake News” được tổ chức từ 2/10 đến 28/10 năm 2023. Với tổng giá trị giải thưởng lên tới 150 triệu đồng, cuộc thi là sân chơi dành cho mọi đối tượng có thể sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok nhằm hướng đến mục tiêu tuyên truyền phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Trong khi đó, Chương trình “Tinternet - Nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam” dự kiến được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 11/2023 với các hoạt động chính: (1) Khu gian hàng với các minigame liên quan đến chủ đề của chương trình; (2) Hội thảo “Tin nên tin” có sự góp mặt và chia sẻ đến từ các chuyên gia truyền thông, các nền tảng trực tuyến và những nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng; (3) Lễ trao giải cuộc thi “Anti Fake News” cùng những phần trình diễn, giao lưu của các nghệ sĩ khách mời.
"Tên gọi "Tin" vừa có ý nghĩa là tin tức, thông tin hàng ngày được sản xuất trên Internet, vừa có ý nghĩa là niềm tin, là sự tin tưởng. "Chiến dịch Tin" kỳ vọng tạo nên một sân chơi lành mạnh, khuyến khích người sử dụng Internet tại Việt Nam có thể sáng tạo, sản xuất nội dung tích cực, đem lại giá trị cho cộng đồng; tôn vinh những người làm trong lĩnh vực truyền thông và các nhà sáng tạo nội dung và tạo không gian gặp gỡ cho những người tham gia vào quá trình xuất bản thông tin trên không gian mạng có thể chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm và đạo đức làm nghề" - ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình triển khai chiến dịch, hoạt động truyền thông bao gồm các tin bài, video cũng được thực hiện và chia sẻ rộng rãi trên mọi nền tảng trực tuyến như Báo VnExpress, Fanpage VnExpress.net, Fanpage chính thức của chương trình Anti Fake News, TikTok,... nhằm góp phần đưa thông tin và thông điệp của chương trình tới đông đảo công chúng tại Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm mong muốn cũng như tin tưởng chiến dịch sẽ có nhiều nội dung hấp dẫn để thu hút sự tham gia của cộng đồng xã hội.
“Việc ra đời của chiến dịch sẽ giúp người sử dụng Internet tại Việt Nam phát huy trách nhiệm xã hội của mình trong việc đồng hành cùng các cơ quan của Đảng, Nhà nước truyền thông, lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Đó chính là cách nâng cao “sức đề kháng” trước vấn nạn tin giả, tin xấu độc" - ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.