KTĐT - Tổ chức, cá nhân khi phát hiện tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm (TSCG-CĐ) có trách nhiệm bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng và thông báo kịp thời, đầy đủ thông tin có liên quan với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đây là một trong những quy định tại Nghị định số 96/2009/NĐ-CP về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/12/2009.
Theo đó, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc ngẫu nhiên tìm thấy TSCG-CĐ nếu không thông báo, không giao nộp tài sản được tìm thấy thì không được hưởng các quyền lợi và bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Cơ quan nhà nước khi tiếp nhận thông tin về TSCG-CĐ phải lập tức khoanh vùng, bảo vệ nguyên trạng khu vực có tài sản. Riêng đối với tài sản chìm đắm ở nội thủy, lãnh hải thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo có tài sản chìm đắm, cơ quan nhà nước tiếp nhận thông tin có trách nhiệm báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam hoặc UBND cấp tỉnh để thông báo 3 lần liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng Trung ương hoặc địa phương để tìm chủ tài sản.
Nghị định quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc khai quật, trục vớt đối với TSCG-CĐ là di tích lịch sử-văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật; Bộ Quốc phòng đối với TSCG-CĐ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia và tài sản chôn giấu, chìm đắm trong khu vực quân sự; Bộ Giao thông vận tải đối với TSCG-CĐ làm cản trở hoạt động hàng hải, gây nguy hiểm cho tài nguyên biển, đe dọa tính mạng con người và làm ô nhiễm môi trường.
Xử lý minh bạch, công khai tài sản bị chôn giấu, chìm đắm
Trường hợp có đầy đủ cơ sở xác định được loại TSCG-CĐ, tùy vào từng loại tài sản sẽ giao cho Bảo tàng cấp tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Cảng vụ hàng hải nơi gần nhất hoặc Sở Tài chính.
Các cơ quan này có trách nhiệm trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp; chuyển giao cho cơ quan nhà nước có chức năng lưu giữ đối với TSCG-CĐ là di tích lịch sử- văn hóa, bảo vật, di vật...; tiêu hủy đối với tài sản buộc phải tiêu hủy; bán đấu giá (đối với tài sản được phép bán đấu giá) hoặc trả cho tổ chức, cá nhân một phần giá trị của tài sản đó.
Tổ chức, cá nhân được thưởng khi ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp TSCG-CĐ hoặc phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về TSCG-CĐ. Mức thưởng 30% cho phần giá trị tài sản đến 10 triệu đồng; 15% cho giá trị tài sản đến 100 triệu đồng; 7% khi tài sản có giá trị trên 100 triệu đến 1 tỷ đồng; 1% cho tài sản trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng và 0,5% khi giá trị tài sản trên 10 tỷ đồng.
Trường hợp không xác định được giá trị của TSCG-CĐ thì mức thưởng cũng không vượt quá 200 triệu đồng. Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán TSCG-CĐ được tìm thấy, sau khi thanh toán toàn bộ các khoản chi hợp pháp sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.