Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy cảm xúc tích cực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một cô bé được bạn trai viết thư tỏ tình, rất háo hức kể với mẹ với hy vọng nhận được nụ cười sẻ chia của mẹ. Nhưng phản ứng của người mẹ là tập tức quát mắng, tra vấn, chụp mũ cho cô bé về việc không lo học hành, chỉ yêu đương nhăng nhít.

Chính cách phản ứng ấy làm cô bé cảm thấy rất buồn, thất vọng vì với cô, lá thư ấy chỉ là một kỷ niệm vui tuổi học trò. Cô bé nghĩ mẹ đã không hiểu gì mình và từ đó cô sống khép kín mọi cảm xúc, không chia sẻ bất cứ điều gì.

Còn người mẹ cũng không coi đó là một cách phản ứng của con với hành động của mình, mà cho rằng con không ngoan. Chính từ sự "không thấu hiểu" ấy đã đẩy cô bé vào không ít những cách hành xử không tốt trong quan hệ tình bạn, tình yêu.

Câu chuyện ấy không phải là cá biệt về cách ứng xử giữa bố mẹ và con cái hiện nay, đặc biệt khi con bước vào tuổi dậy thì. Do đó, một kết quả khảo sát với câu hỏi "Hiện nay có điều gì làm em buồn nhất", kết quả đáng báo động là có tới 74% trẻ trả lời: "Điều buồn nhất là bố mẹ không hiểu em".

Và có lẽ, khi có được những lời khuyên kịp thời từ mẹ, những em gái sẽ bước vào tuổi mới lớn của mình một cách bình an. Đấy cũng là một trong những nguyên nhân đẩy trẻ rơi vào tâm trạng buồn bã, chán nản và rất… cô đơn; yêu sớm, trầm cảm, chán sống…

Do đó, khi đối mặt với những biểu hiện yêu đương của trẻ dậy thì, các bậc phụ huynh không nên cho rằng đó là hiện tượng xấu, mà nên nhìn thấy mặt tích cực của cảm xúc "yêu" ở trẻ.

Nhiệm vụ của người lớn không phải là triệt tiêu cảm xúc ấy, mà hướng dẫn để làm sao trẻ không yêu lệch lạc, hướng con phát huy mặt tốt đẹp và cung cấp những thông tin để con có kiến thức đề phòng mặt tiêu cực. Nói cách khác, cha mẹ phải làm "người thầy" hướng dẫn con đi đúng đường. Và một cách được các chuyên gia chỉ ra là bố mẹ nên dành 70% thời gian nói về mặt tích cực để giúp con tiếp thu những năng lực tích cực trong học tập rèn luyện. 30% còn lại dành để nói về mặt tiêu cực, nói để con tránh đến những chỗ có thể vượt qua ranh giới, cung cấp những thông tin để con biết mà tránh.

Hơn nữa, nên chỉ ra những ranh giới rõ ràng kiểu như có thể gặp nhau, chuyện trò với nhau nhưng không được đi chơi riêng, không bao giờ được đi vào chỗ vắng, chỗ tối...Điều quan trọng là phụ huynh phải trở thành người bạn của con mình, là nơi để con gửi gắm các tâm sự, chia sẻ cảm xúc, để từ đó nhận lại sự định hướng đúng. Nếu khi trẻ mới "mở lời", người lớn đã đáp lại bằng câu trả lời "không" một cách lạnh lùng. Tâm hồn trẻ sẽ khép chặt và khó có cơ hội trải nghiệm cách sống đúng.