Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
|
Tại Diễn đàn Xúc tiến XK 2013 do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức (ngày 11/4), phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Hiệu quả mà các hiệp định FTA mang lại cho DN Việt Nam như thế nào, thưa ông?
- Nội dung quan trọng nhất trong các FTA chính là cắt giảm thuế quan, từ đó tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường, tăng kim ngạch XK.
Hiện ngoài 8 hiệp định FTA đã ký kết, Việt Nam đang đàm phán với EU, EFTA, dự kiến sẽ ký hiệp định FTA với các thị trường này vào cuối năm 2014. Việc ký kết FTA giữa Việt Nam với EU tạo cơ hội cho DN mở rộng hơn nữa thị trường XK vào EU, bởi sẽ có đến 90% hàng hóa XK của Việt Nam vào thị trường này sẽ được hưởng thuế suất 0%. Trong đó, được hưởng lợi nhiều nhất là ngành giầy da, may mặc, cà phê, thủy sản, đồ gỗ bởi các sản phẩm này chiếm đến 70% tổng kim ngạch XK của Việt Nam vào EU. Theo tính toán, nếu FTA với EU được hình thành sẽ giúp XK tăng trung bình 4%/năm đối với các ngành đang phải chịu mức thuế nhập khẩu cao vào EU và 3% với các ngành khác.
Mặc dù FTA tạo ra cơ hội gia tăng XK nhưng cũng tạo ra không ít thách thức đối với các DN trong nước, vậy những thách thức đó là gì, thưa ông?
- Việc ký kết các FTA sẽ tạo cơ hội cho DN mở rộng thị trường XK nhưng cũng tạo ra sức ép khi chúng ta phải mở cửa thị trường nội địa cho hàng nhập khẩu.
FTA Việt Nam - EU được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Trong ảnh: Sản xuất viên nang dầu gấc xuất khẩu sang EU của Công ty VNPOFOOD. Ảnh: Hoài Nam
Bên cạnh đó, khả năng tận dụng các cam kết mở cửa thị trường theo các FTA của DN Việt Nam vẫn còn hạn chế. Hiện không ít DN chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi về thuế quan, điều này làm cho DN mất đi lợi thế về thuế, khả năng cạnh tranh, hàng hóa trên thị trường quốc tế. Một số DN chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế quan hàng năm của các đối tác trong các hiệp định FTA với Việt Nam.
Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất của các DN để đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận xuất xứ diễn ra chậm, chưa đáp ứng được các nhu cầu. Hiện, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ khả năng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất mà phải nhập khẩu nhiều từ các thị trường không được tính giá xuất xứ ưu đãi như Trung Quốc. Thêm vào đó, thủ tục hành chính của Việt Nam khi xin giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan của EU còn quá phức tạp, khiến chi phí thời gian, tiền bạc tăng cao; DN còn phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật như: Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, Quy chế 995/2010 về nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm gỗ XK vào thị trường EU…
Để khắc phục những yếu điểm này, từ đó đẩy mạnh XK hàng hóa, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp hỗ trợ DN như thế nào?
- Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và đẩy nhanh thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm như phát triển công nghiệp dệt và nhuộm; hình thành khu công nghiệp thuộc da.
Để giảm thiểu chi phí thời gian xin Giấy chứng nhận xuất xứ cho DN, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng phê duyệt đề án tăng cường quản lý chứng nhận xuất xứ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian cấp xuất xứ hàng hóa (C/O), nâng cấp hoàn thiện hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử eCO Sys. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ cho phép DN tự chứng nhận C/O.Riêng đối với các rào cản kỹ thuật thì chính bản thân DN phải tổ chức, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, DN cần chủ động xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng; chuẩn bị nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc hợp pháp và chất lượng tốt nhất.
Xin cảm ơn ông!