Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng ùn tắc giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lề đường luôn là vấn đề nóng của đô thị Hà Nội. Những năm qua, mặc dù các cấp chính quyền TP đã đầu tư nhiều công sức, tiền của cho các dự án nhằm giải quyết tình trạng này, nhưng kết quả đạt được chưa như mong đợi.

Báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu bài viết của độc giả Nguyễn Thành Lâm, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân bàn về vấn đề này.

 

Nói đến giao thông là phải nói đến đường thông, hè thoáng. Hè dành cho người đi bộ, đường dành cho loại xe lưu thông theo các làn  có đèn giao thông hướng dẫn. Nếu mọi người tuân thủ những quy định đó thì người điều khiển phương tiện cứ tuần tự phía trước đi trước, phía sau theo sau, lần lượt đi thì sẽ không xảy ra cảnh ùn, tắc giao thông!

 
Ùn tắc giao thông tại Ô Chợ Dừa. Ảnh: Yên Chi
Ùn tắc giao thông tại Ô Chợ Dừa. Ảnh: Yên Chi
Thế nhưng, tình hình giao thông ở Thủ đô không diễn ra suôn sẻ như thế mà rất phức tạp đã làm xấu đi hình ảnh thanh lịch của Thủ đô Hà Nội. Bắt đầu từ việc vỉa hè bị chiếm dụng để trông giữ xe đạp, xe máy, thậm chí cả ô tô. Tiếp đến, những người bán quà vặt, nước chè chiếm chỗ, người bán hàng rong đi lại với quang gánh cồng kềnh... khiến người đi bộ chỉ còn cách đi dưới lòng đường. Tệ hơn, nhiều nơi người ta còn biến vỉa hè thành xưởng sản xuất, rồi tình trạng xả rác, đổ gạch ngói, cát, đá, sỏi bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông. Mặt đường thì đào xới vô tội vạ khiến vừa làm xong đã xuống cấp, lún nứt chẳng được sửa chữa kịp thời... Tất cả những điều đó đã góp phần tăng thêm cảnh ùn tắc giao thông, cảnh xô đẩy rồi va chạm, xô xát, cãi vã, thậm chí là đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Trong khi đó, lượng người tham gia giao thông trên địa bàn ngày càng nhiều. Vào khung giờ cao điểm, những dòng người hối hả ngược xuôi, cùng với đó là một lượng lớn học sinh, sinh viên sau giờ học đổ ra đường về nhà càng làm cho số người tham gia giao thông trên mọi phương tiện tăng cao. Thời điểm đó, chỉ cần một số người thiếu ý thức, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, lấn tuyến... sẽ khiến giao thông trở nên lộn xộn, ùn tắc.

 

Thiết nghĩ, một phương án khả dĩ có thể giải quyết nạn ùn tắc giao thông là việc huy động sức mạnh của tổ chức Đảng cơ sở vào cuộc. Theo đó, đề nghị Thành ủy nghiên cứu, sắp xếp tổ chức các chi bộ lại theo các tổ dân cư đường phố để chi bộ có thể lãnh đạo tổ trưởng dân phố cùng các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị của Đảng  tiến hành những công việc về an toàn giao thông. Sau khi đã ổn định tổ chức các chi bộ đường phố, sẽ tiến hành phát động thi đua trong toàn thể đảng viên các cơ sở Đảng toàn TP trực tiếp tham gia giữ gìn hè thông, đường thoáng nhằm giúp giao thông được thông suốt, giảm bớt ùn, tắc, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Đối với Đảng ủy các xã, phường, các chi bộ đường phố có nhiệm vụ xem xét tình hình, đề xuất kế hoạch làm sạch, đẹp đường phố của mình. Khi được phê duyệt, thông báo tới các đoàn thể quần chúng, tổ trưởng dân phố tổ chức họp khu phố, vận động mọi người tích cực tham gia vào phong trào chung. Ngoài ra, chi bộ cũng kết hợp với các cơ quan, xí nghiệp, trường học đóng trên địa bàn phổ biến kế hoạch làm thông thoáng đường phố để mọi thành viên biết và thực hiện. Khi thực hiện cần kiên quyết, không nhân nhượng nhưng không hô hào suông, tránh áp đặt mà cần cố gắng thuyết phục những người vi phạm tự nguyện hưởng ứng để góp phần cho giao thông an toàn. Trường hợp có người cố tình chống đối, không tuân thủ, phải phối hợp với các lực lượng bảo vệ pháp luật can thiệp.

 

Khi đã phát động, cần theo dõi sát sao để hàng quý, hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết khen thưởng đánh giá rút kinh nghiệm và có kế hoạch cụ thể, phù hợp, sát thực tế cho năm tiếp theo. Nếu thực hiện được phong trào này, tôi cho rằng đường phố của Thủ đô sẽ thông thoáng, sạch đẹp hơn xứng đáng là Thủ đô xanh - sạch - đẹp.

 
Nguyễn Thành Lâm

(Phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân)