Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát huy sức mạnh sau dồn điền đổi thửa

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hưởng ứng phong trào dồn điền đổi thửa (DĐĐT) của huyện Sóc Sơn, hơn một năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Sơn đã tích cực dồn đổi ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị đất canh tác.

Ông Nguyễn Văn Đông, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã cho biết: DĐĐT là một cuộc cách mạng làm thay da đổi thịt ở vùng đất này. Vốn là xã thuần nông, ruộng đất manh mún (trung bình mỗi hộ có từ 10 - 20 thửa), diện tích ruộng bậc thang chiếm tới 50% diện tích đất nông nghiệp nên việc dồn đổi ruộng rất khó khăn. Xác định rõ điều đó, xã Nam Sơn quyết tâm đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân dồn đổi ruộng. Sau thời gian ngắn, việc DĐĐT ở hai thôn lớn của xã là Thanh Hà và Liên Xuân đã hoàn thành hơn 220ha (đạt 50% diện tích). 

Phát huy sức mạnh sau dồn điền đổi thửa - Ảnh 1

Ra quân dồn điền đổi thửa ở Sóc Sơn.

Bên cạnh việc làm tốt các bước DĐĐT ở 4 thôn còn lại, xã Nam Sơn đã tập trung quy hoạch lại đồng ruộng, đầu tư nâng cấp hệ thống kênh, mương và đường giao thông nội đồng, đồng thời quy hoạch khu giãn dân, khu vui chơi giải trí. Đến nay, hơn 20km đường giao thông nội đồng của hai thôn Thanh Hà và Liên Xuân đã được rải đá cấp phối, mặt cắt đường rộng từ 5 - 9m, giúp cho sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Số diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng đu đủ, bí đao, chuối tiêu hồng, ngô hàng hoá… đã không ngừng tăng lên.  Đến nay, hai thôn này đã chuyển đổi được 40ha sang trồng đu đủ, cho thu nhập mỗi sào cao gấp 6 lần so với trồng lúa; 12ha trồng bí đao (tăng 5ha so với năm 2011), canh tác 3 vụ mỗi năm, cho thu nhập 20 triệu đồng/sào/năm, gấp 13 lần so với cấy lúa. Ngoài ra, một số hộ dân còn chuyển sang trồng chuối tiêu hồng với 7,5ha và ngô nếp với 50ha, cho thu nhập khá.

Dồn đổi ruộng thành công không chỉ giúp người dân canh tác thuận lợi, đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng… mà còn hình thành nếp sản xuất hiện đại và tư duy sản xuất lớn. Hiện Nam Sơn đã xuất hiện một số "ông chủ" nhỏ đầu tư mua máy sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy gặt, máy tuốt lúa về làm dịch vụ cho nông dân. Một số hộ đã không còn bán sản phẩm nông nghiệp ở đầu bờ như trước mà đưa hàng đến các chợ đầu mối để bán cho thu nhập cao hơn. Vì vậy, đời sống người dân ngày càng khấm khá.

Hiện, xã Nam Sơn đang tập trung DĐĐT số diện tích canh tác ở các thôn còn lại. Dù đã có những kết quả đáng phấn khởi, nhưng khó khăn vẫn còn bộn bề. Theo lãnh đạo xã, kinh phí đầu tư cho giao thông, thuỷ lợi nội đồng ở những nơi đã dồn đổi ruộng còn hạn chế, một số tuyến mới làm nền đường, chưa rải đá cấp phối nên việc đi lại canh tác khó khăn. Kinh phí TP hỗ trợ còn thấp và thanh quyết toán chậm nên khó khăn cho các phần việc tiếp theo. Đây là những vấn đề cần tháo gỡ sớm để việc DĐĐT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Nam Sơn được thuận lợi, hiệu quả.