Tại lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú năm 2014, tối 13/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, động lực cho sự phát triển đất nước; luôn hết sức coi trọng vị trí của người thầy giáo trong sự nghiệp trồng người.
Buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các thế hệ giáo viên...
Chúc mừng các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đào tạo, đặc biệt là các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú vinh dự nhận danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc ta được hình thành, vun đắp, trao truyền qua các thế hệ, góp phần tạo nên nền văn hiến Việt Nam.
“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”, Chủ tịch nước phát biểu.
Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, động lực cho sự phát triển đất nước; luôn coi trọng vị trí của người thầy giáo trong sự nghiệp trồng người.
Trong năm đầu thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (Khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng tìm tòi, đổi mới công tác quản lý, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học theo hướng phát triển năng lực, tư duy sáng tạo của người học; đổi mới việc thi, tuyển, đánh giá kết quả giáo dục, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Nhiều chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách được bổ sung để tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo phát triển.
Tuy nhiên, ngành Giáo dục vẫn còn có những bất cập đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đội ngũ thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, yếu tố trực tiếp quyết định chất lượng giáo dục-đào tạo.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng chỉ đạo có hiệu quả hơn nữa công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; thường xuyên chăm lo việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người thầy giáo, để người thầy giáo thực sự là biểu tượng của sự hiểu biết và phẩm hạnh, là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm, khám phá tri thức, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến cho các thế hệ học trò, là những tấm gương sáng để học trò noi theo.
Chia sẻ với những khó khăn của các thầy giáo, cô giáo, nhất là những người công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể, gia đình và xã hội tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục; tạo điều kiện tốt nhất để các thầy giáo, cô giáo hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng hoa và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 39 nhà giáo và 12 thầy, cô giáo tiêu biểu, đại diện cho 680 Nhà giáo Ưu tú về tham dự chương trình.
Kinhtedothi - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy, cô giáo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và đại diện các Bộ, ngành cùng đại biểu dự buổi lễ. Ảnh: VGP/Đình Nam
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2014 cho 39 nhà giáo. Ảnh: VGP/Đình Nam
|