Trung bình mỗi năm, nước ta phải hứng chịu từ 4-5 trận bão, lũ. Theo đó, ước tính, thiệt hại do bão, lũ tàn phá hàng năm chiếm khoảng 1,5% GDP, nghiêm trọng hơn, mỗi năm có khoảng 500 người bị thiệt mạng bởi bão, lũ. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, công trình phòng chống lụt bão… vẫn chưa được xử lý triệt để. Ý thức của một bộ phận người dân và ngay cả nhiều cơ quan chức năng trong việc phòng chống lụt bão cũng còn bị động, chủ quan khiến hậu quả do bão lũ gây ra thêm nặng nề.
Chỉ tính riêng năm 2009, thiệt hại do bão lũ đã lên tới gần 23.200 tỉ đồng, gấp hai lần con số thiệt hại do bão lũ năm 2008. Gây hậu quả nặng nề nhất là cơn bão số 9 (Ketsana) đổ bộ vào miền Trung, Tây Nguyên hồi tháng 10/2009 làm 172 người chết, 12 người mất tích, thiệt hại trên 14.300 tỉ đồng. Quảng Ngãi là tỉnh phải chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão này với số tiền lên đến gần 4.900 tỷ đồng.
Trong cơn bão số 11 ngay sau đó (tháng 11/2009), các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục phải hứng chịu với 122 người chết, hai người mất tích, tài sản bị thiệt hại ước tính 5.000 tỷ đồng. Để nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người dân, cơ quan chức năng trong việc cùng tham gia phòng chống bão lụt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị định số 04/2010/NĐ-CP, qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão. Nghị định (NĐ) này sẽ có hiệu lực kể từ 10/3/2010.
Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính được chia thành 2 cấp độ, nhẹ là cảnh cáo và vi phạm nghiêm trọng hơn phải chịu phạt tiền. Trong đó, mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính là 40 triệu đồng. Đối với các hành vi nếu như trước đây không bị xử lý như neo đậu không phép hoặc sai phép, tàu, thuyền, bè mảng, các phương tiện khác vào công trình phòng chống lụt, bão sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Thậm chí, trong Nghị định quy định, các tổ chức, cá nhân phát hiện công trình PCLB bị hư hỏng, sự cố mà không thông báo cho cơ quan có trách nhiệm để có biện pháp xử lý kịp thời cũng bị phạt tiền tương đương với mức trên. Cũng theo NĐ xử phạt này, với những hành vi thăm dò, khai thác đất đá, cát sỏi không phép hoặc trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình PCLB sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.
Việc làm hư hỏng, thất thoát vật tư, thiết bị PCLB nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cũng sẽ bị xử lý với mức tiền như trên. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống lụt bão ngoài bị phạt tiền thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị áp dụng một trong 2 hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được cấp có liên quan đến hành vi vi phạm và tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.
Nhiều năm qua, hầu hết các địa phương trên cả nước đều đau đầu, nan giải với việc vi phạm, lấn chiếm đê kè, các công trình thủy lợi, thì nay, sẽ phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi xây dựng sai quy định trong giấy phép hoặc văn bản khi thực hiện các hoạt động có liên quan đến công trình PCLB. Mức phạt sẽ tăng lên từ 20-30 triệu đồng cho hành vi xây dựng công trình khác làm hư hỏng 1 phần hoặc toàn bộ công trình PCLB. Mức phạt cao nhất từ 30-40 triệu đồng cho hành vi xây dựng không phép hoặc sai phép kho chứa lương thực, chất độc hại, chất nổ, nhiên liệu, vật tư trong vùng phân lũ, vùng thường bị ngập lụt