Phạt nguội vi phạm giao thông: Hiệu quả và minh bạch

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2004, việc xử phạt nguội vi phạm giao thông qua hình ảnh đã được áp dụng và ngày càng được nhân rộng ra khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Từ lực lượng CSGT cho đến người dân và các chuyên gia đều đánh giá rất cao hiệu quả cũng như tính minh bạch của biện pháp này.
Người dân ý thức hơn

Phạt nguội là hình thức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera được lắp trên các tuyến đường cao tốc, các ngã tư trọng điểm. Các thông tin, hình ảnh thu được sẽ được gửi về Trung tâm xử lý để in ảnh, truy xuất thông tin người và xe; xác định chủ phương tiện, địa chỉ để gửi thông báo xử phạt. Ngoài ra, hiện nay, CSGT cũng áp dụng phạt nguội vi phạm giao thông thông qua ghi nhận, xác minh hình ảnh người dân cung cấp hoặc trên mạng xã hội.
 Trung tâm kiểm soát giao thông Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Với hàng chục triệu phương tiện đổ ra đường mỗi ngày, trong khi ý thức chấp hành luật của một bộ phận không nhỏ người điều khiển còn chưa cao, vi phạm giao thông đã trở thành một vấn đề nhức nhối nhiều năm qua. Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định: “Càng những đô thị lớn, vi phạm giao thông càng diễn ra phổ biến do quá tải hạ tầng, UTGT xảy ra hàng ngày. Văn hóa giao thông dù được tuyên truyền, tích cực bồi đắp nhưng vẫn chưa lan tỏa sâu rộng trong xã hội”.

Trong bối cảnh đó, muốn mạnh tay xử lý, răn đe có hiệu quả vi phạm giao thông rất cần một công cụ hiện đại, phù hợp. Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Trung tá Nguyễn Đức Thắng cho rằng: “Công cụ đó chính là xử phạt nguội thông qua hình ảnh, vừa tiết kiệm nhân lực, thời gian, vừa chính xác kịp thời, tránh được những tranh cãi không đáng có giữa CSGT và người vi phạm”.

Theo Cục CSGT, trong năm 2020, hệ thống camera ghi hình phục vụ phạt nguội trên toàn quốc đã ghi nhận, phát hiện trên 120.000 trường hợp vi phạm. Hiện các tuyến đường cao tốc được lắp đặt camera nhiều nhất như: Nội Bài - Lào Cai, có 110 camera giám sát; TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương có 11 camera, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lắp đặt 78 camera... TP Hồ Chí Minh có hơn 800 camera giám sát phục vụ phạt nguội vi phạm giao thông; trong khi Hà Nội chỉ có hơn 200 camera.

Vừa qua, các đội địa bàn của CSGT, Công an TP Hà Nội đã được phân công thêm nhiệm vụ giải quyết tai nạn giao thông trên những tuyến đường được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; nhiệm vụ này trước đây được giao cho công an các quận, huyện. Nếu không có hệ thống camera ghi hình để phạt nguội, CSGT Hà Nội sẽ khó lòng đảm đương được hết nhiệm vụ như tuần tra, phân luồng, xử phạt, giải quyết tai nạn giao thông…

Theo thống kê từ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, trong năm 2020, hệ thống camera giám sát trên địa bàn TP đã phát hiện hơn 16.000 vi phạm giao thông. Bên cạnh đó còn có hàng nghìn trường hợp bị xử lý hành vi vi phạm thông qua hình ảnh do người dân cung cấp hoặc CSGT mật phục ghi nhận. Song hành với kết quả đó là tình hình TNGT, UTGT trên địa bàn Thủ đô đã giảm từ 5 - 10%, ý thức của người tham gia giao thông nâng cao rõ rệt. Tổ trưởng Tổ dân phố số 42, Khu đô thị Pháp Vân (quận Hoàng Mai) Trần Văn Bính chia sẻ, dư luận Nhân dân đánh giá rất tích cực hình thức xử phạt nguội, ý thức chấp hành luật giao thông của mỗi người cũng cao hơn hẳn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xử phạt nguội thông qua hình ảnh đảm bảo được tính công bằng, minh bạch, khiến người dân tin tưởng và chấp hành hơn. Thạc sĩ tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh phân tích: “Trong một thời gian dài, không ít người dân có định kiến về “xin - cho” trong xử lý vi phạm giao thông, thiếu sự tin tưởng vào công tác của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, máy móc không biết thiên vị, hình ảnh ghi nhận vi phạm cho ra kết quả xử lý công bằng với tất cả khiến người dân thấy minh bạch hơn, chấp hành cũng tốt hơn”.

Nhiều chiêu trò đối phó

Hiện nay, Hà Nội có trên 200 camera theo dõi, ghi nhận lỗi vi phạm giao thông phục vụ công tác xử phạt nguội. Bên cạnh hiệu quả tích cực trong xử lý vi phạm, hệ thống này cũng ngày càng gặp nhiều chiêu trò đối phó hơn. Ví dụ như việc che hoặc tẩy xoá, sửa chữa một phần biển kiểm soát phương tiện, lan từ nhóm xe ô tô kinh doanh vận tải ra phương tiện cá nhân.

Thạc sĩ giao thông đô thị Nguyễn Đình Chiển cho rằng, đặc biệt nguy hiểm là nhiều người điều khiển ô tô che, xóa biển số khi đi trên cao tốc để né phạt nguội.
“Bởi chính họ đang “tạo điều kiện” cho mình chạy quá tốc độ, đi lùi, dừng đỗ tùy tiện tiềm ẩn hiểm họa tai nạn giao thông nghiêm trọng cho chính mình và người tham gia giao thông xung quanh” - thạc sĩ Nguyễn Đình Chiển lý giải; đồng thời cho rằng, không chỉ vi phạm pháp luật khi che, xóa biển số, những trường hợp này còn nêu gương xấu trong khi cả xã hội đang tích cực xây dựng văn hoá giao thông.

Nhiều chuyên gia phân tích, để xử lý tận gốc hành vi xấu xí, nguy hiểm này, song hành với việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, nhân rộng hệ thống camera ghi hình phạt nguội, cần có chế tài mạnh mẽ hơn nữa với các hình thức che, xóa biển số né phạt nguội. Đặc biệt, với nhóm xe kinh doanh vận tải như taxi, xe khách, xe tải… cần có thêm chế tài xử phạt nặng cả DN chủ quản phương tiện vi phạm.

Bên cạnh đó, hiện việc xử phạt nguội vi phạm giao thông mới đang tập trung chủ yếu vào phương tiện xe ô tô, còn đối với xe máy, mô tô lại chưa phát huy hiệu quả. Đơn cử như Hà Nội hiện có tới 90% lượng phương tiện giao thông là mô tô, xe máy, vi phạm của người điều khiển loại phương tiện này diễn ra rất phổ biến trên mọi tuyến đường lớn nhỏ, kể cả những nơi có camera ghi hình phục vụ phạt nguội.

Lực lượng chức năng cho biết, việc xử phạt nguội đối với xe máy rất khó khăn, phức tạp do thiếu dữ liệu thông tin chủ xe. Muốn phạt nguội loại phương tiện này, cần có thêm các biện pháp sàng lọc khác như: quy chủ phương tiện, thu thập lưu trữ thông tin… cần thêm nhiều thời gian nữa mới có thể triển khai hiệu quả. Trước mắt, với vi phạm của người điều khiển xe máy, mô tô, cách tốt nhất vẫn là tuần tra, xử lý ngay trên thực địa.

Có thể thấy, phạt nguội là một trong những biện pháp rất hữu hiệu nhằm kéo giảm vi phạm, nâng cao ý thức của người dân, qua đó giảm UTGT, tai nạn giao thông. Do đó rất cần mở rộng hệ thống camera giám sát, thu thập thông tin, tăng cường các nguồn lực vật chất và nhân sự cho công tác xử phạt nguội trên cả nước trong những năm tới.

"Phạt nguội vi phạm giao thông thông qua hình ảnh là biện pháp tối ưu hiện nay. Tuy nhiên, điều cần nhất là sự minh bạch trong thông tin. Hệ thống camera giám sát giao thông, đồng thời cũng do con người vận hành, quản lý nên không loại trừ khả năng vẫn có thể bị sửa chữa, thay đổi. Bởi vậy, luôn luôn phải có sự giám sát đối với những người chịu trách nhiệm vận hành hệ thống.

Tốt nhất là nên truyền dữ liệu từ camera giám sát giao thông đến nhiều đơn vị khác như CSGT, Thanh tra GTVT… để kiểm tra chéo, cùng xử lý vi phạm. Nếu để một đơn vị quản lý, thu thập dữ liệu camera giám sát vừa hạn chế hiệu quả do quá nhiều thông tin, vừa dễ nảy sinh tiêu cực." - Thạc sĩ giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung


"Việc xử phạt nguội vi phạm giao thông ở nhiều nước phát triển rất nghiêm minh; chậm nộp phạt sẽ bị tính lãi, phạt nhiều lần với các lỗi nặng có thể bị đưa ra tòa án xét xử… Hiện chúng ta vẫn đang tập trung vào xây dựng hệ thống “cứng” là máy móc, mắt thần chứ chưa chú trọng đến các công cụ mềm, đặc biệt là quy định “phạt chồng phạt” nếu người vi phạm không chấp hành. Hiện đối với các trường hợp cố tình chây ì nộp phạt nguội, có thể bị dừng đăng kiểm xe.

Tuy nhiên, với những trường hợp phải 1 - 2 năm hoặc nhiều hơn nữa mới đến hạn đăng kiểm tính từ thời điểm bị phạt nguội, biện pháp này không mang lại hiệu quả tức thì như mong muốn. Theo tôi cần có thêm biện pháp phụ như: Không nộp phạt nguội theo yêu cầu của CSGT có thể tước bằng lái xe ngay lập tức hoặc thông báo trên toàn hệ thống, cấm xe lưu hành…" - Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành