Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế: “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” nhằm trao đổi và đối thoại về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, sau gần 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Từ một nước chậm phát triển, nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% trong đầu thập niên 90 của thế kỷ trước xuống còn 7,8% năm 2013.

Trên thực tế, vài năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn do suy thoái toàn cầu nhưng Việt Nam không những không cắt giảm, mà còn đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội. Đây là những minh chứng cho thấy sự nhất quán và quyết tâm cao của Việt Nam trong việc gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Theo Báo cáo phát triển con người năm 2013 của UNDP, Việt Nam nằm trong số 40 nước đang phát triển đạt tiến bộ vượt dự kiến về phát triển con người với chỉ số phát triển con người tăng 41% trong 2 thập kỷ qua. Với mục tiêu cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã khẳng định phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt đến năm 2020.

Tại hội thảo, bà Helen Clark - Tổng Giám đốc UNDP nhấn mạnh, trong khi xem xét các biện pháp cải cách thuộc thế hệ mới, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp để cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản xuất trong ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản như là một phần hữu cơ trong chiến lược tăng trưởng của đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nâng cấp mạnh mẽ nền kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn để xác lập được lợi thế so sánh mới; cải cách các hệ thống bảo trợ xã hội; đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ và quản lý nguồn lực công một cách minh bạch.