Bộc lộ nhiều hạn chếQuá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh, cùng với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, DNNN vẫn là thành phần chủ lực trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, hạ tầng, chế tạo, năng lượng, khai khoáng. Thậm chí, ngày càng nhiều DNNN xuất hiện trong danh mục các công ty có quy mô nhất, nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường vốn...
Nhiều cái mới đặt ra đòi hỏi chúng ta phải cập nhật, suy nghĩ để làm cho phù hợp. Đó là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu rộng trong mọi mặt hoạt động của nền kinh tế. Chớp thời cơ, khắc chế nguy cơ, trong đó vai trò của các tập đoàn kinh tế Nhà nước là rất quan trọng.Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư Phùng Hữu Phú |
Dù vậy, trên thực tế vẫn còn tập đoàn kinh tế hoạt động kém hiệu quả, để xảy ra tiêu cực, làm thất thoát tài sản Nhà nước, hoạt động đầu tư bên ngoài lĩnh vực chính còn dàn trải... Theo các chuyên gia, trong quá trình hoạt động, DNNN phát triển quá nóng, tập trung mở rộng quy mô, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực mà thiếu chú trọng vào lĩnh vực cốt lõi; phát triển vượt quá năng lực tài chính, quản trị... Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn chỉ rõ: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nói chung, các tập đoàn kinh tế Nhà nước nói riêng, một trong những vấn đề then chốt cần giải quyết là thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong quản lý, điều hành của Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.
Phù hợp với quy luật thị trườngNhiều chuyên gia cho rằng, quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế để thúc đẩy các tập đoàn kinh tế Nhà nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả hơn phải được đồng bộ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, phù hợp với quy luật thị trường. Đơn cử, cần nhanh chóng hoàn thiện bộ máy triển khai mô hình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN vừa được thành lập. Đặc biệt, tiếp tục thống nhất quan điểm “quản lý vốn Nhà nước” thay cho quan điểm “quản lý tài sản Nhà nước” như trước đây. PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) thẳng thắn, đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn, Nhà nước cần đảm bảo theo thông lệ của thị trường và tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Hồ Sỹ Hùng, ngay trong quá trình hoàn tất chuyển giao tiếp nhận 19 DNNN, Ủy ban có cách tiếp cận làm rõ hơn trách nhiệm của các DNNN. Ủy ban và các cơ quan liên quan đã thực hiện vai trò của mình đối với phần vốn của DN, còn hoạt động của các DN vẫn độc lập. “Đổi mới nhưng vẫn trong khuôn khổ các quy định pháp luật, nhưng cần có nghiên cứu để đề xuất, điều chỉnh trong thời gian tới” – ông Hùng nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, ngoài thực hiện thể chế tập đoàn, nên xem xét đến nghĩa vụ của DNNN đánh giá bằng tỷ suất lợi nhuận thu được.
Thực tế, việc hình thành các tập đoàn kinh tế Nhà nước giúp Nhà nước tập trung, kiểm soát các nguồn lực, khai thác ưu thế về thương hiệu, hoạt động đầu tư, thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận... Khi các tập đoàn kinh tế hoạt động hiệu quả sẽ có tác động tích cực, sâu sắc đến không chỉ lĩnh vực kinh tế mà còn cả niềm tin của xã hội vào chủ trương, đường lối của Đảng, vào chính sách của Nhà nước.