Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học theo quy mô trang trại: Hướng đi đúng

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) là giải pháp hữu hiệu để khắc phục những khó khăn cho ngành chăn nuôi hiện nay.

Tuy nhiên, để phát triển theo hướng này, người chăn nuôi đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Thay đổi tư duy tiêu dùng

Thời gian qua, hàng loạt phát hiện về sai phạm trong chăn nuôi như sử dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh, chất vàng ô… làm người tiêu dùng (NTD) hoang mang. Để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình, những người nội trợ đã có những thay đổi trong cách lựa chọn thực phẩm. Ngoài ra, cuộc sống ngày càng được nâng cao đồng nghĩa với việc NTD sẽ có yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng thực phẩm. Vì vậy, những sản phẩm như thịt sạch, thịt lợn quê, gà thả vườn, thịt nhập khẩu… gần đây được NTD quan tâm. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra chi phí cao gấp 2, 3 lần để mua thực phẩm mà họ cho là an toàn.

Quy trình sơ chế Trứng sạch tại Công ty CP Tiên Viên, Chương Mỹ.

Chị Nguyễn Mai Chi, cư dân khu The Spark Dương Nội, Hà Đông cho biết: “Những thông tin về thực phẩm mất an toàn khiến tôi rất hoang mang không biết nên mua thực phẩm ở đâu. Để yên tâm, tôi nhờ bố mẹ gửi thực phẩm từ quê ra hoặc mua của người quen”. Tâm lý của chị Chi cũng là tâm lý chung của nhiều bà nội trợ hiện nay. Tuy nhiên, những quan niệm về thực phẩm an toàn của họ thực sự chưa đúng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thịt sau khi tiếp xúc với không khí bình thường, trung bình cứ sau một giờ đồng hồ là lượng vi khuẩn sẽ tăng gấp 20 lần. Thịt đảm bảo ATTP phải tuân thủ nghiêm ngặt các khâu từ chăm sóc, giết mổ, tới bảo quản. Do đó, những thực phẩm không được bảo quản đúng cách không được coi là an toàn. Tuy nhiên, do thói quen tiêu dùng, hoặc nhận thức sai lệch về thực phẩm sạch nên đa phần NTD vẫn lựa chọn thực phẩm ở các chợ truyền thống. Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ NTD chọn mua thực phẩm ở các chợ truyền thống là 85%. Điều này, vô tình đã gây khó khăn cho những người sản xuất theo hướng ATSH. Để đảm bảo ATTP, NTD cần thay đổi tư duy từ việc quen dùng thịt nóng sang sử dụng các loại thịt mát được bảo quản đúng quy trình. Khi NTD tin tưởng sản phẩm an toàn, đồng nghĩa với việc tư thương sẽ không còn có cơ hội lũng đoạn thị trường.

Sản xuất theo chuỗi

Trong khi nhu cầu về thực phẩm sạch của NTD tăng cao thì những người trực tiếp sản xuất lại đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Chia sẻ về những khó khăn của ngành chăn nuôi ATSH hiện nay, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Thực tế NTD nào cũng muốn lựa chọn cho gia đình mình những thực phẩm sạch. Nhưng hiện nay, giá thực phẩm chăn nuôi theo hướng ATSH đang khá cao. Một phần do chi phí sản xuất cao, đầu vào thức ăn chăn nuôi tăng, một phần do chịu sức ép từ thương lái đội giá. Trong khi NTD hiện không có điều kiện để xác định sản phẩm sạch hay không sạch nên đã đánh đồng giá mua. Do đó, phát triển sản xuất trang trại theo chuỗi khép kín là giải pháp tối ưu cho ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay. Ông Tường đưa ra dẫn chứng cụ thể về HTX chăn nuôi lợn Hoàng Long ở Tân Ước, Thanh Oai đã vượt qua cơn bão giá vừa qua. HTX Hoàng Long hiện chăn nuôi có tổng quy mô 450 lợn nái và trên 5.000 lợn thịt với dây chuyền sản xuất khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản đến phân phối sản phẩm. Hiện nay, với chuỗi sản xuất từ A - Z, sản phẩm của HTX có chất lượng cao, sạch, an toàn đã được phân phối rộng rãi trên thị trường. Nhờ quy trình chăn nuôi khép kín và đảm bảo ATTP, HTX Hoàng Long đã tránh được cơn bão giá lợn thời gian vừa qua, chăn nuôi ổn định và từng bước phát triển.

Khẳng định thêm về hiệu quả của phương pháp chăn nuôi ATSH theo chuỗi khép kín, Giám đốc HTX Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho biết “Chăn nuôi theo hướng ATSH với quy mô trang trại vừa phòng ngừa dịch bệnh, sản xuất thịt sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lại tăng giá trị sản xuất. Đây là hướng đi đúng cho ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần