Giữ ấm cho vật nuôi
Mặc dù thời tiết mấy ngày qua chưa rét đậm, rét hại, tuy nhiên anh Đặng Văn Bảo, thôn Dân Lập, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất đã chủ động dùng bạt che chắn toàn bộ cửa chuồng lợn. Anh chia sẻ: "Hiện, giá lợn đang lên, đàn lợn gần 50 con, là nguồn thu chính của gia đình trong dịp Tết nên không thể chủ quan được".
Ông Bùi Văn Đáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Bình cho biết, từ ngày 8/12, xã đã họp, yêu cầu lãnh đạo các thôn tập trung hướng dẫn bà con nông dân phòng, chống rét cho vật nuôi như che chắn chuồng trại, dự trữ rơm để ủ ấm...
0
Phòng, chống rét cho vật nuôi tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Ảnh: Văn Thắng
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, mùa rét năm nay miền Bắc sẽ có từ 4 - 5 đợt rét đậm, rét hại, trong đó đợt đầu có thể xuất hiện vào cuối tháng 12 này. Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT có Chỉ thị yêu cầu các tỉnh, TP chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để hỗ trợ vật tư và kinh phí phục vụ phòng, chống rét cho vật nuôi.
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm, các địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm, bảo đảm chuồng trại kín, khô; chủ động dự trữ thức ăn cho vật nuôi như cỏ, rơm rạ khô, thức ăn tinh, thức ăn thô...
Không chủ quan với dịch bệnh
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang được kiểm soát. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Thú y, trong thời gian tới, do điều kiện thời tiết chuyển mùa cùng với hoạt động chăn nuôi tái đàn phục vụ tiêu dùng cuối năm tăng cao và việc vận chuyển gia cầm lậu vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao.
Do đó, các địa phương cần chú ý tăng cường phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.Theo Chi cục Thú y Hà Nội, trong tháng 11, các địa phương đã tập trung tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, song số lượng được tiêm phòng vẫn còn nhỏ so với tổng đàn vật nuôi của toàn TP.
Ông Cấn Xuân Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, Chi cục đã chỉ đạo Trạm Thú y các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến từng thôn, xóm, cụm dân cư.
Đồng thời, công khai các chính sách hỗ trợ của TP để người chăn nuôi phối hợp tiêm phòng cho đàn vật nuôi và chủ động khai báo, không giấu dịch hay bán chạy gia súc, gia cầm khi có dịch bệnh. Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh, để đảm bảo chăn nuôi ổn định phục vụ đủ thực phẩm cho thị trường Tết, các địa phương cần tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng dịch bệnh, tuân thủ các quy định về con giống, khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Đặc biệt, thực hiện tốt kiểm dịch tại gốc và kiểm soát việc mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn.