Phát triển chợ đầu mối: Xu thế tất yếu giúp kiểm soát an toàn thực phẩm

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và minh bạch truy xuất nguồn gốc hàng hóa là những yêu cầu cấp thiết để chợ đầu mối phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo quốc tế “Phát triển chợ đầu mối ở Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội.
Minh bạch truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hooc Môn (TP Hồ Chí Minh) là một trong số ít chợ thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt lợn. Đại diện Ban quản lý chợ cho biết, thực hiện đề án “Chợ thí điểm đảm bảo ATTP giai đoạn 2016 – 2020”, đến nay chợ Hooc Môn đã đảm bảo trên 90% các tiêu chí đối với ngành thịt lợn. Trung bình mỗi ngày, chợ nhập từ 5.500 – 5.800 con lợn. Sản phẩm thịt lợn tươi khi nhập chợ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, có vòng niêm phong, vòng thông tin truy xuất nguồn gốc và cấp mã code QR. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc thịt lợn ngay tại chợ.
 Tổng Công ty Mercasa (Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Tây Ban Nha) và Công ty TNHH MTV Proton ký kết bản ghi nhớ liên kết hợp tác phát triển chợ đầu mối tại Việt Nam. Ảnh: Ánh Ngọc
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển chợ đầu mối ở các quốc gia tiên tiến, ông Ricardo Lopez Pietsch - đại diện Tập đoàn Mercasa (Tây Ban Nha) cho biết, hệ thống chợ Tây Ban Nha thường xuyên đào tạo nghiệp vụ cho thương nhân và người phục vụ tại chợ. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát sức khỏe được thực hiện liên tục và có sự hiện diện của các thanh tra thú y để đảm bảo các cơ sở, quy trình và xử lý sản phẩm thực hành tốt về vệ sinh ATTP. Đây là yếu tố quan trọng nhất giúp chợ đầu mối hoạt động và phát triển tốt.

"Hà Nội có 5 chợ đầu mối nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát luồng hàng cho hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Vì vậy, UBND TP Hà Nội đang kêu gọi DN tham gia đầu tư theo hình thức xã hội hóa nguồn vốn nhưng DN chưa mặn mà do lợi nhuận thấp. Vì vậy, Bộ KH&CN cần sớm sửa đổi quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng chợ đầu mối, thu hút DN đầu tư; Bộ Công Thương hỗ trợ các địa phương trong công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại chợ đầu mối, qua đó ngăn chặn tình trạng lưu thông, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh ATTP." - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải

Ông Bùi Bá Chính - Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, Tổng cục đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) nhận định, hiện nay, vấn đề ATTP, truy xuất nguồn gốc là hai yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của chợ đầu mối. Bởi trọng điểm chợ đầu mối của Việt Nam là phân phối các sản phẩm từ nông nghiệp. Do đó, các DN cần chú trọng đăng ký mã số mã vạch, giúp người sản xuất và người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đó là chưa kể, việc gắn mã số mã vạch là yêu cầu của nhiều quốc gia nhập khẩu. Do đó, gắn mã số mã vạch sẽ giúp hàng hóa tại các chợ đầu mối có khả năng xuất khẩu được tốt hơn.

Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Nhiều chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất trong quản lý hàng hóa vẫn là truy xuất nguồn gốc. Truy xuất nguồn gốc không đơn thuần chỉ là việc dán tem, mà là quản lý toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm. Hoạt động này phải hỗ trợ được giao thương, xuất nhập khẩu và buôn bán, trao đổi thông tin thương mại, đồng thời tạo hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, đảm bảo thị trường lành mạnh, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc có thể hỗ trợ cho quản lý Nhà nước trong chống hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng.

Hiện nay, đã có một số công ty có công nghệ truy xuất nguồn gốc 4.0 thực hiện ở TP Hồ Chí Minh, tại nhiều chợ đầu mối đang được sử dụng công nghệ mã vạch để quản lý sản phẩm hàng hóa vào chợ. Tuy nhiên, các công ty này chưa làm theo tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu mà theo tư duy nhỏ lẻ của DN. Thời gian tới, Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (GS1) của Việt Nam sẽ xây dựng tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, để tất cả các công ty ở Việt Nam làm cùng một tiêu chuẩn.

Vụ Trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông khẳng định, để phát triển chợ đầu mối, cần giám sát và thực thi tiêu chuẩn để đưa hàng hóa ra thị trường thông qua các chợ đầu mối một cách chặt chẽ, nhất là vấn đề vệ sinh ATTP. Vì vậy, cần phân cấp giám sát từ lúc đóng gói, xây dựng cơ chế truy tìm nguồn gốc nơi sản xuất, cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng nông sản. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm định để quản lý quá trình sản xuất, đảm bảo ATTP hàng lưu thông trong chợ.

Theo số liệu thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện cả nước có 8.539 chợ, trong đó có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ của cả nước, tốc độ phát triển chợ đầu mối bình quân giai đoạn 2010 – 2017 đạt 4,5%.


"Cần áp dụng công nghệ 4.0 vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa để hỗ trợ quản lý Nhà nước, nắm thông tin trong nước, cân bằng cung cầu nhằm giải cứu nông sản. Làm sao để toàn bộ chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến DN và người tiêu dùng cùng tham gia. " - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Đào Hà Trung

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần