Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển công nghiệp sẽ tập trung hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký ban hành "Kế hoạch hành động nhằm phát triển vượt bậc các ngành công nghiệp được ưu tiên lựa chọn" gồm các ngành công nghiệp điện tử; công nghiệp chế biến nông thủy sản; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; công nghiệp máy nông nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), đây là những ngành được lựa chọn trên cơ sở cân nhắc từ 36 ngành được nghiên cứu. Việc công bố kế hoạch hành động những ngành công nghiệp này là việc làm cần thiết, các địa phương cũng như các bộ, ngành cần ưu tiên triển khai nhằm phát triển vượt bậc các ngành công nghiệp được ưu tiên lựa chọn.  

Cũng theo bà Tuệ Anh, cùng với việc cụ thể hóa danh mục những ngành nào, sản phẩm nào cần ưu tiên và kế hoạch cũng chỉ rõ trong ngành nghề đó, sản phẩm đó có những vướng mắc, khó khăn gì cần tháo gỡ, hành động cụ thể để tháo gỡ là gì. Mục tiêu tới năm 2020 là xác lập lòng tin trên thị trường thế giới về Việt Nam là một quốc gia sản xuất nông, lâm, thủy sản và thực phẩm an toàn với chất lượng cao, xác lập từ 3 - 5 mặt hàng có thể tạo nên hình ảnh thương hiệu của Việt Nam… Trong khi đó, phía Nhật Bản cũng đã lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong nước trước khi chọn các ngành nghề. Ở một khía cạnh khác, ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: Nếu có máy câu đàng hoàng, gây mê, bảo quản tươi thì giá bán cá Ngừ cho thị trường ngoại tăng lên rất nhiều. Quả thanh long xuất khẩu sang Mỹ cũng có giá cao gấp từ 8 - 10 lần xuất sang Trung Quốc. Vì thế, nếu làm được như kế hoạch đã đề ra, giá trị xuất khẩu của nông sản Việt Nam có thể lên tới 60 tỷ USD, gấp đôi so với hiện nay. Mặt khác, nâng cao giá trị nông sản thông qua chế biến cũng là con đường buộc phải đi khi không còn dư địa để phát triển theo chiều rộng nữa.

Việt Nam đang có những cơ hội lớn trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với việc các tập đoàn, công ty đa quốc gia có công nghệ cao đang tìm đến Việt Nam. Vấn đề là khoảng cách về công nghệ và nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài vẫn quá xa. Chính vì thế, với việc xác định rõ chiến lược phát triển lần này, tới đây sẽ đòi hỏi sự thay đổi chính sách từ phía Việt Nam. Theo đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, nước này sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa là tạo một môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu của Chiến lược và các kế hoạch cũng mở ra cơ hội thu hút đầu tư từ Nhật Bản cũng như các nước khác.