Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển đô thị phải vì con người

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ “Ngày đô thị Việt Nam” đầu tiên tổ chức vào ngày 8/11/2008, đến nay sau 8 năm, diện mạo đô thị đã khang trang hơn.

Mục tiêu xây dựng đô thị xanh đang thực sự trở thành hạt nhân tăng trưởng, động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động cả nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Trong đó, nổi bật nhất là chưa đầu tư cho nhà ở xã hội (NƠXH) đúng mực. Nếu không có giải pháp tốt sẽ tạo ra những khu nhà ổ chuột mới. Cần phải có một “nhạc trưởng” định hướng phát triển thống nhất cho các đô thị.
Thương hiệu “xanh” trải khắp đô thị
Từ sáng kiến “Đô thị xanh, tăng trưởng xanh” của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Hiệp hội các đô thị Việt Nam và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, các đô thị trên khắp cả nước đã hiện thực hóa bằng nhiều hình thức thiết thực. Trong bối cảnh khủng hoảng về môi trường, quy hoạch không gian đô thị xanh vì thế phải đi trước một bước, có tính chất dự báo, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái đô thị.

Chung cư nhà ở xã hội tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá, khi nội dung về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu đã được nhiều nhà hoạch định chích sách các đô thị đẩy mạnh, tạo ra sự cộng hưởng giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ngay từ khâu quy hoạch đã dần định hướng xây dựng nhiều khu đô thị mới theo mô hình sinh thái, chú trọng tăng diện tích công viên, cây xanh, mặt nước.
Để "xanh hóa" Thủ đô, Hà Nội đã triển khai kế hoạch trồng mới 1 triệu cây xanh và xây mới 25 công viên trên địa bàn từ năm 2016 - 2020. Cây xanh được trồng với 35 chủng loại, trên các tuyến phố cũ như Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân…, hay tuyến đường mới Võ Nguyên Giáp. Bên cạnh đó, cũng đã khởi công ngay 5 công viên mới trong năm nay như Khu công viên - hồ điều hòa Mai Dịch; Công viên - hồ điều hòa CV1... Với tiến độ như hiện tại, dự kiến mục tiêu "xanh hóa" Thủ đô sẽ sớm đạt được. Tại các khu đô thị xanh nổi bật như Cần Thơ, Đà Nẵng, Lào Cai… cũng đẩy mạnh phát triển đô thị theo chiều sâu, có kiểm soát; phát triển mạnh mẽ về không gian kiến trúc, kết hợp bảo vệ mảng “xanh” tự nhiên.
Còn nặng đầu tư nhà ở thương mại
“Hai yếu kém nhất của các đô thị hiện nay là sự lệch pha cung - cầu bất động sản và ùn tắc giao thông, ngập úng khi mưa. Đặc biệt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tình trạng này ở ngưỡng “báo động đỏ”- TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra công tác phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Các đô thị phát triển mục tiêu đầu tiên phải vì con người, vì dân. Thế nhưng, khi đại đa số người dân còn thiếu chỗ ở, khả năng chi trả thấp thì lại nặng về xây dựng nhà ở thương mại. Thực tế các đô thị Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến những đô thị phát triển không cân bằng.
“Nếu không có giải pháp phù hợp, ngay bên cạnh các khu nhà chọc trời sẽ xuất hiện những khu "ổ chuột", và như thế không thể có văn minh đô thị. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho người dân, DN để phát triển NƠXH" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm.
Cùng với đó, tình trạng quản lý thiếu quy hoạch, không có kế hoạch diễn ra ở nhiều nơi. Công tác phòng chống cháy nổ còn hạn chế; quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng không thực hiện nghiêm, thất thoát trong đầu tư xây dựng đô thị lớn. Về bài toán ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, Phó Thủ tướng rất trăn trở. Giao thông không thể giải quyết tại chỗ, mà quan trọng cần thực hiện các giải pháp tổng thể, để các đô thị có sức hấp dẫn, tránh tình trạng tập trung quá đông dân số tại một vài đô thị. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, nâng cao năng lực quản lý, điều hành.
Từ thực tiễn trên, giới chuyên môn cho rằng, các hiệp hội về quy hoạch đô thị cần ngồi lại với nhau để định hướng phát triển, nhận thức chung cho các đô thị vừa và nhỏ. Đẩy mạnh chức năng phản biện; tập hợp, liên kết giữa các đô thị; tham gia có chất lượng vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, góp phần giải quyết tốt các vấn đề bức xúc đang đặt ra với các đô thị.
“Đồng thời, cần thực hiện tốt vai trò cầu nối, hỗ trợ chính quyền đô thị địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết hiệu quả những vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý đô thị, ứng phó có hiệu quả với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo thống kê của Hiệp hội các đô thị Việt Nam, các đô thị hiện phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, tăng từ 629 đô thị năm 1999 lên 795 đô thị năm 2016. Đến nay, dân số đô thị khoảng 33,84 triệu người, chiếm 35,7% dân số cả nước. Kinh tế đô thị đóng góp 72 - 75% GDP, tăng trưởng bình quân khu vực đô thị trung bình từ 15%, cao gần 2 lần bình quân chung cả nước.