Hà Nội là một trong những TP có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của cả nước. Nhưng sự phát triển của Thủ đô đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại bởi sự mất cân đối giữa hạ tầng, giao thông và dân số; giữa những yếu tố kinh tế - xã hội với tiêu chí tăng trưởng xanh, bền vững. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông (UTGT) tại Thủ đô đang ngày càng có xu hướng gia tăng.
Hệ lụy nhãn tiềnTrong khoảng 10 năm trở lại đây, các khu đô thị, nhà cao tầng ồ ạt mọc lên trong trung tâm Hà Nội. Việc xây dựng bất chấp những hệ lụy lâu dài đã khiến Hà Nội phải trả giá bằng tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra khắp nơi, trở thành một vấn nạn đối với người dân. Các chuyên gia đã chỉ ra 3 nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất, quy hoạch giao thông không đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Thứ hai, xây dựng các khu dân cư tập trung đông đúc mà hoàn toàn không có đánh giá tác động giao thông. Thứ ba, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) phát triển quá chậm, hiệu quả thấp. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, Hà Nội mở rộng địa giới năm 2008 nhưng tháng 4/2011 mới có Đồ án Quy hoạch xây dựng chính; tháng 3/2016 mới phê duyệt Quy hoạch GTVT. Ngay từ khâu làm quy hoạch đã bất cập, bất đồng như vậy nên đương nhiên quá trình phát triển đô thị của Hà Nội phải sinh ra nhiều hệ lụy.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, thời gian qua, các khu đô thị mọc lên như nấm trong khu vực trung tâm TP mà không hề tính đến tác động cũng như khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông. Thực tế này đang dẫn Hà Nội đi ngược xu hướng phát triển của đô thị hiện đại, phương tiện cá nhân tăng nhanh từng ngày, người dân dần rời bỏ VTHKCC. Mặt khác, một trong những nguyên nhân chính khiến VTHKCC khó phát triển là vì phải chạy theo hạ tầng. “Khi làm đường không ai tính đến phần dành riêng cho xe buýt hay khả năng tiếp cận của xe buýt. Với loại hình vận tải khối lượng lớn, phương tiện lớn mà cho đi ở đâu phải chịu, thiếu hẳn không gian hoạt động riêng, chen chúc thế nào cũng phải chịu thì đương nhiên khó phát huy hiệu quả” - ông Hùng nói.
Đặt mục tiêu thực tếĐể xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày một phát triển, nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp cho vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay của Hà Nội. Trong đó có nêu vấn đề tiên quyết là phân bố lại mật độ dân cư, mở rộng hạ tầng, hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân, phát triển VTHKCC… Tuy nhiên, bà Almud Weitz - Giám đốc Giao thông & Công nghệ thông tin, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: “Thời điểm này, Hà Nội cần dựa trên khả năng thực tế của mình, phân phối nguồn lực hợp lý, giải quyết từng vấn đề một cách hiệu quả”. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện Thủ đô nên tập trung trước mắt cho 2 mục tiêu là kìm hãm sự gia tăng dân số trong lõi đô thị và hạn chế phương tiện cá nhân. Ông Hùng đề xuất, với mỗi mảnh đất rộng từ 5.000m2 trở lên, sử dụng chung cho từ 500 người trở lên, buộc phải có đánh giá tác động giao thông, hợp lý mới được cấp phép xây dựng. Bên cạnh đó, di chuyển được một số cơ quan, bệnh viện, trường học ra khu vực ngoại vi cũng sẽ kéo giãn áp lực dân số và giao thông cho trung tâm TP.
Trong bối cảnh phát triển hạ tầng cần chiến lược dài hơi và cực kỳ tốn kém, biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân rất được giới chuyên gia ủng hộ. Có nhiều cách để hạn chế xe cá nhân như: Thu các loại phí bảo vệ môi trường, trông giữ xe, phí lưu thông… thật cao khiến người dân phải xem xét lại việc sử dụng thường xuyên hàng ngày. Bên cạnh đó, muốn VTHKCC thu hút được hành khách thì phải cấp cho loại hình này không gian hoạt động riêng, quyền ưu tiên trên mọi tuyến đường vận hành để giảm thời gian di chuyển, tăng tính hiệu quả. Một khi VTHKCC chứng tỏ được sự ưu việt hơn hẳn xe cá nhân trong việc di chuyển hàng ngày, tự nhiên sẽ hạn chế được mật độ lưu thông của ô tô, xe máy, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông.