Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Định hướng phát triển đô thị bền vững thông qua việc xây dựng các thành phố xanh và có khả năng chống chịu với các thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu là một lựa chọn tất yếu của Việt Nam hiện nay.

Trong 2 ngày 24-25/10, tại TP Đà Nẵng, đã diễn ra hội thảo “Phát triển đô thị hợp nhất: Hướng tới thành phố xanh và bền vững tại Việt Nam” do Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức.

Tính đến cuối năm 2012, Việt Nam đã có 765 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 32,45%. Khu vực đô thị hằng năm đã đóng góp 70% GDP cả nước, khẳng định vai trò tạo động lực cho phát triển đất nước sau 20 năm đổi mới.

 
Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 1

Tuy nhiên, sự phát triển đô thị  tại Việt Nam còn đang bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém về hạ tầng kỹ thuật. Đó là tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, sử dụng tài nguyên năng lượng không hợp lý gây mất cân bằng sinh thái. Bên cạnh đó, điều lo ngại nhất là các thành phố, các trung tâm công nghiệp lớn đều tập trung ở vùng đồng bằng thấp, khu vực ven biển, rất dể bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo Phó Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Head, để đô thị có khả năng chống chịu với mọi tác động của thiên nhiên, cần có sự chia sẻ của cộng đồng cùng với khung chính sách, kiến thức và đầu tư hạ tầng hiệu quả trên qui mô rộng để hướng tới mô hình phát triển TP xanh và có khả năng chống chịu tác động tiêu cực.

Trong tham luận đổi mới qui hoạch với chủ đề “Xây dựng nền móng cho tương lai”, Ths Ngô Trung Hải, Viện Kiến trúc Qui hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng) cho rằng trong xu thế vận động, đổi mới, và phát triển thì công tác qui hoạch với vai trò đầu tàu của công cụ hoạch định chính sách vĩ mô, càng cần phải đổi mới, thậm chí “đi trước một bước” so với các lĩnh vực khác.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ Xây dựng đã xác định tập trung làm tốt công tác qui hoạch đô thị bền vững, xây dựng và thực thi có hiệu quả khung pháp lý đối với phát triển đô thị cũng như qui trình thiết kế, qui hoạch đô thị trong điều kiện biến đổi khí hậu...

Để xây dựng nền móng hướng tới xây dựng thành phố xanh, hội thảo cũng đề xuất một bộ tiêu chí về môi trường do Tổng cục Môi trường xây dựng và dự kiến ban hành trong năm 2014, với 6 nhóm tiêu chí lớn và 24 chỉ tiêu về chất lượng nước, không khí, quản lý chất thải rắn và không gian xanh… nhằm đẩy mạnh công tác quản lý môi trường đô thị ở Việt Nam.