Phát triển đô thị thông minh: Nhanh chóng xây dựng kiến trúc tổng thể

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trên hành trình phát triển thành một đô thị thông minh (ĐTTM).

 Kiến trúc sư trưởng về Smart city của Tập đoàn Viettel Lê Quốc Hữu
Để làm rõ hơn các yếu tố cần thiết trên hành trình này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Kiến trúc sư trưởng về Smart city của Tập đoàn Viettel Lê Quốc Hữu.
Đô thị thông minh là gì, thưa ông?

- Liên minh Viễn thông quốc tế đã tổng hợp từ 116 khái niệm về ĐTTM trên thế giới để đưa ra một cách hiểu chung. Theo đó, ĐTTM là đô thị sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, kết hợp với các công nghệ khác để đạt đến 3 mục tiêu: Nâng cao chất lượng cuộc sống; hiệu quả các hoạt động dịch vụ đô thị; nâng cao tính cạnh tranh của TP.

Cùng với sự lan tỏa mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Hà Nội đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển ĐTTM. Trên thực tế, phát triển ĐTTM chính là triển khai Cách mạng công nghiệp 4.0 ở quy mô đô thị.

Theo ông, Hà Nội có những lợi thế gì để phát triển ĐTTM ?

- Hà Nội có rất nhiều lợi thế, nhưng quan trọng nhất là 3 yếu tố. Thứ nhất, Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước nên được sự quan tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ, T.Ư. Thứ hai, Hà Nội có tiềm lực kinh tế, nhân sự, kỹ thuật... để phát triển ĐTTM. Thứ ba, cũng là điều mà giới chuyên gia đánh giá rất cao là Hà Nội có những lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, rất quyết tâm phát triển Thủ đô thành ĐTTM.

Hà Nội nên bắt đầu phát triển ĐTTM từ đâu, thưa ông ?

- Thực ra, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng một số thành tố của ĐTTM rồi. Những ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đã được đưa vào lĩnh vực giao thông, y tế, hành chính công... Tuy nhiên theo tôi, Hà Nội vẫn nên nhanh chóng xây dựng một kiến trúc tổng thể của ĐTTM, giúp TP có hệ thống thu thập, phân tích, quản lý dữ liệu đồng bộ.

TP có thể bắt đầu từ việc khảo sát thực tế đô thị, nhu cầu của người dân... đặt ra các mục tiêu chiến lược, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể ĐTTM. Từ đó hình thành kiến trúc nghiệp vụ, là cơ sở để xây dựng kiến trúc dữ liệu; từ kiến trúc dữ liệu mới ra được kiến trúc ứng dụng để xác định các công nghệ cần thiết, phù hợp cho TP. Nói dễ hiểu thì phải biết TP cần gì; công nghệ nào phù hợp; kết nối các công nghệ chuyên ngành ra sao mới có thể định hình được nền tảng thông minh cho đô thị Hà Nội.
 Một góc TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mấu chốt của cả quá trình này là gì ?

- Điều quan trọng nhất với hệ thống thông minh là dữ liệu, phải có dữ liệu để phân tích mới có cơ sở đưa ra những giải pháp thông minh, đáp ứng, phục vụ nhu cầu, mục đích của cư dân đô thị. Hiện nay rất nhiều ngành, cơ quan đang thu thập dữ liệu trên mọi mặt của xã hội nhưng theo cách đơn lẻ, không chia sẻ, không đồng bộ. Do đó, không đáp ứng được công tác phân tích, quản lý, đưa ra những quyết định chính xác với từng vấn đề.

Vậy nên, nền tảng thông minh của đô thị cần trước hết là hệ thống cảm biến, thu thập mọi loại dữ liệu thiết yếu đối với người dân như giao thông, an ninh, đo chất lượng nước, không khí... Các cảm biến lại phải được kết nối lại thông qua mạng mao dẫn, truyền thông tin về Hồ sơ dữ liệu. Để xử lý dữ liệu và đưa ra được quyết định chính xác cho mỗi vấn đề, mỗi tình huống lại cần một Trung tâm điều hành thông minh chung cho cả đô thị.

Liệu việc thu thập dữ liệu người dùng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân không, thưa ông ?

- Tôi cho rằng không cần lo lắng. Ví dụ như Singapore, họ đã lập ra ngân hàng thông tin cá nhân của người dân từ lâu. Mỗi người dân sẽ có một tài khoản, cập nhật toàn bộ thông tin của mình lên đó. Khi họ muốn mở thẻ ngân hàng, hay xin cấp giấy phép lái xe chẳng hạn, họ chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng sẽ yêu cầu nạp thông tin cá nhân từ ngân hàng dữ liệu. Hệ thống sẽ gửi cho người dân một tin nhắn để hỏi xem có đồng ý cung cấp hay không. Người dân có xác nhận đồng ý hệ thống mới gửi dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba. Thực tế, việc quản lý thông tin, dữ liệu cá nhân vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta nên không cần phải lo lắng.

Xin cảm ơn ông !

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần