Phát triển hạ tầng giao thông ở Quốc Oai: Đòn bẩy phát triển kinh tế

Bài, ảnh: Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc đẩy mạnh kết nối mạng lưới giao thông liên vùng, trong những năm qua, huyện Quốc Oai cũng đã tập trung thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư phát triển các tuyến đường giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Đáp ứng nhu cầu đi lại

Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai Ngô Văn Hùng cho biết, toàn huyện có khoảng 400km đường giao thông nông thôn, liên xã, tỉnh lộ… đã được thảm nhựa và bê tông hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong số nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư, mở rộng theo mô hình kết nối liên vùng thì đường Bắc Nam của huyện và tỉnh lộ 421B… là những tuyến đường làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn và đời sống người dân.
 Đường giao thông Bắc Nam huyện Quốc Oai được đầu tư xây dựng tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thời điểm huyện được phê duyệt quy hoạch chung cũng là lúc hàng loạt tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường trong khu dân cư 21 xã, thị trấn được thi công và gấp rút hoàn thành đưa vào sử dụng. Người dân nhiều địa phương như: Thị trấn Quốc Oai, các xã Đông Yên, Đồng Quang, Sài Sơn… được hưởng lợi từ những tuyến đường giao thông nông thôn được mở rộng, trải dài với những con đường phẳng phiu, thông thoáng. Tại thời điểm hiện nay, TP và huyện đang chuẩn bị đầu tư xây thêm hàng loạt tuyến đường mới như: DH09, DH02, đường Tây Nam… để tăng kết nối vùng.

Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, xóa dần “điểm đen” ở các vùng dân cư nhất là một số xã vùng núi, đồi gò như: Phú Cát, Hòa Thạch, Đông Xuân, Phú Mãn, còn tạo đòn bẩy giúp người dân ổn định cuộc sống. “Đường sá đi lại thuận lợi, người dân vùng đồi gò bắt đầu đổi mới tư duy làm ăn, phát triển kinh tế. Cùng với việc nhiều hộ thử sức đầu tư sản xuất, buôn bán kinh doanh thì nhiều gia đình đầu tư vốn xây dựng các mô hình chăn nuôi kết hợp làm trang trại trồng cây ăn quả, bước đầu đem lại hiệu quả” - Chủ tịch UBND xã Đông Yên Tạ Đình Quý chia sẻ.

Tiếp tục đầu tư các dự án

Tỉnh lộ 421B dài gần 10km nối đường Bắc Nam đoạn qua Quốc Oai là khu trung tâm của huyện trước đây đi lại khó khăn, nay cung đường này đã trở nên thông thoáng sau khi được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng. Qua đó, đáp ứng nhu cầu vận tải, bảo đảm giao thông trên tuyến được thông suốt, tạo cơ sở hạ tầng giao thông cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2015 - 2020 của TP và giai đoạn tiếp theo.

Ông Phạm Văn Hùng (xã Tân Phú) hồ hởi chia sẻ: “5 năm trở lại đây, nhờ có sự quan tâm hỗ trợ của TP và huyện, hạ tầng giao thông trên địa bàn dần hoàn thiện. Khác với trước đây, sản phẩm miến của bà con làng nghề sau khi đóng gói phải chở đi bán cho các đại lý hoặc các đầu mối kinh doanh. Hiện đường sá rộng rãi, phẳng lì nên sản phẩm miến làm ra sau khi đóng gói được thương lái tìm về mua tận nơi rồi vận chuyển đi tiêu thụ, tiện cả đôi bề”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc đổi mới diện mạo nông thôn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các xã miền núi, vùng đồi gò. Vì thế, cùng với việc tập trung triển khai công tác quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, T.Ư và TP cũng cần có thêm nguồn vốn hỗ trợ giúp huyện tiếp tục phát triển hệ thống giao thông, nhất là giao thông nông thôn, góp phần hoàn thiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần