Làm người nông dân đích thực
Tại hội thảo "Phát triển kinh tế từ di sản xanh - những lợi thế và thách thức" (trong khuôn khổ "Tuần Văn hóa Du lịch di sản xanh, nơi gặp gỡ giữa con người và thiên nhiên" tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam), các chuyên gia đã tìm ra giải pháp cho việc phát triển bền vững. Với quan niệm di sản xanh không chỉ là các di sản đã được UNESCO công nhận, mà còn là nơi có tiềm năng về môi trường tự nhiên, nhiều chuyên gia đề nghị đổi mới tư duy để nghiên cứu và làm bạn với thiên nhiên. Theo TS Võ Quang Tuyến - chuyên viên kỹ thuật cao cấp của Công ty TNHH Mangrove: "Chúng ta hãy quan sát từ cả trăm năm trước đến nay, người nông dân đã làm gì và chúng ta tìm cách làm tốt hơn họ, chứ không phải thay thế". Ông Tuyến cho biết, ông đã coi mình là nông dân thật sự để cùng người nông dân nuôi tôm trên các khu đầm từ Quảng Bình đến Cà Mau. Hàng ngàn héc ta nuôi tôm chỉ cần đầu tư phòng láp có lắp đặt thiết bị để kiểm tra chất lượng nước hàng ngày có đạt chuẩn cho phép hay không. Cách nuôi tôm này đã mang lại 200 - 300kg tôm sạch/ha, giá bán cao gấp nhiều lần so với tôm mà người nông dân nuôi theo phương thức cũ có nhiều tạp chất.
Cũng với cách nghĩ "mình là nông dân", ông Hoàng Văn Tuyên - Giám đốc Công ty CP Thương mại nhà Việt đã vận động 50 hộ nuôi và khai thác sản phẩm mật ong tự nhiên ở huyện đảo Cát Bà thực hiện mô hình bảo tồn và phát triển hệ sinh thái. "Chúng tôi xác định muốn phát triển bền vững nghề nuôi ong, phải gìn giữ môi trường. Điều quan trọng là phải gắn liền với kinh tế của người nuôi ong và người dân sống xung quanh vùng được hưởng thụ từ môi trường" - ông Tuyên cho biết. Với quy định, các hộ dân không được nhập giống ong và không được mang mật từ nơi khác đến Cát Bà bán, giờ huyện đảo này đã phát triển được thương hiệu "Mật ong hoa rừng Cát Bà", được công nhận và dán nhãn sinh quyển có giá trị kinh tế cao gấp 4 lần trước đây.
Muốn bền vững thì không thể “ăn xổi”
Dễ nhận ra nguồn lợi mà di sản xanh mang lại nếu gắn với cộng đồng trong việc bảo tồn, phát triển bền vững. Điển hình là sẽ có thêm sản phẩm mới làm đa dạng cho hoạt động du lịch. Chẳng hạn, huyện đảo Cát Bà mỗi năm có hàng triệu lượt khách đến trải nghiệm mô hình nuôi ong và làm mật, mua sản phẩm thật được làm từ tự nhiên, ngắm những vườn hoa rực rỡ. Điều quan trọng là vùng đảo này vốn đã được thiên nhiên ưu đãi, nay càng đẹp hơn từ bàn tay gìn giữ của con người. Hay ý tưởng cải tiến trong công nghệ làm muối ở xã Bạch Long (Nam Định) giúp diêm dân sống được với nghề sản xuất muối sạch cho hiệu quả kinh tế cao. Thêm vào đó kết hợp làm muối với du lịch sinh thái giúp diêm dân sống ổn trong những tháng nông nhàn: Giúp cho du khách tìm hiểu các công đoạn làm muối, mua những sản phẩm muối sạch được pha trộn các loại gia vị tiện lợi trong sử dụng…
Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại trong phát triển bền vững gắn với di sản xanh là hiện tượng "chạy đua" theo công nghệ, nông dân lại không biết đi theo hướng phát triển bền vững. Chính vì thế, ông Tuyến khẳng định, cần có sự cộng đồng trong tư duy, trong hành động và trong công nghệ. Giống như cộng đồng làm về tôm thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn sạch, biết sử dụng tiếng Anh, biết sử dụng công nghệ thông tin để cung cấp cho khách hàng và lấy thông tin từ khách hàng. Nhiều chuyên gia lại cho rằng muốn bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, cần bắt đầu bằng giáo dục. Như KTS Nguyễn Nga - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tư vấn và đầu tư phát triển NN đề xuất: Chúng ta phải "trồng người" trước khi trồng rau sạch. Chúng ta đưa mô hình giáo dục để các em suy nghĩ mình đang gần với thiên nhiên nên phải biết cách giữ gìn. Hiện nay, việc xâm hại môi trường không phải vì người ta muốn mà bởi không biết.
Rõ ràng, gìn giữ di sản xanh không chỉ góp phần bảo vệ thiên nhiên môi trường, mà còn mang lại những sản phẩm tự nhiên sạch, những sản phẩm du lịch sinh thái. Đây cũng là cách để du lịch phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm với môi trường thiên nhiên.
Làng nghề Hội An đã tạo sức hút cho du khách quốc tế. Ảnh : Bích Hồng
|