Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp: Hướng đi đúng và trúng

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu, Hà Nội đang đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

 Thu hoạch lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ánh Ngọc

Nhiều mô hình sản xuất sạch

Xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) là vùng lúa đầu tiên của Hà Nội được tiến hành các thủ tục chứng nhận, kiểm dịch để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ. Hiện, toàn xã có gần 50ha sản xuất lúa hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nhờ vậy, sản phẩm lúa, gạo của hữu cơ của Đồng Phú xuất bán được giá cao, lại không lo về đầu ra. Không chỉ ở Chương Mỹ mà hiện nay, hầu hết các huyện trên địa bàn TP ngày càng xuất hiện nhiều mô hình canh tác sử dụng ít hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu, sẽ giảm 1,76 triệu tấn CO2 vào năm 2025 và 4,88 triệu tấn CO2 vào năm 2030 trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ
Phong trào sản xuất sạch, phát triển kinh tế xanh đã và đang được triển khai rộng rãi ở các địa phương. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: “Trung tâm đã triển khai mô hình xử lý rơm rạ tại ruộng sau thu hoạch ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức... với quy mô 250ha, mỗi vụ xử lý được khoảng 1.500 tấn rơm rạ, tạo ra nguồn phân bón tại chỗ, thay thế cho phân hóa học”.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, những năm gần đây, công nghệ khí sinh học đã được ứng dụng rộng rãi. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn TP đã có 75% số trại chăn nuôi bò sữa, 44% số trại chăn nuôi bò thịt và 95% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư sử dụng hầm biogas. Cùng với đó là hơn 1.000 trang trại, gia trại chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Thực tế cho thấy, các mô hình sản xuất như nông nghiệp hữu cơ, VietGAP của Hà Nội hiện nay không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường vẫn còn ít so với quy mô của ngành.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mô hình tăng trưởng xanh trong nông nghiệp không chỉ đòi hỏi về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ mà còn yêu cầu nông dân phải tuân thủ sản xuất an toàn, hạn chế, tiến tới không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Theo GS Nguyễn Lân Hùng – Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, để tháo gỡ những rào cản trên, cần có chính sách về tín dụng, khoa học công nghệ, thị trường... tương ứng. Nhất là việc thay đổi tư duy sản xuất của nông dân cần phải được tác động, khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, Sở đã triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với việc phối hợp với các sở, ngành, địa phương vận dụng cơ chế hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, Sở giao Trung tâm Khuyến nông tập trung giải ngân nguồn vốn Quỹ Khuyến nông cho các mô hình sản xuất sạch. Bên cạnh đó, phối hợp các ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn cho việc đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường và chủ trì việc nghiên cứu xây dựng, phát triển các mô hình sử dụng hiệu quả phế thải nông nghiệp tại khu vực nông thôn...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần