Phát triển nông nghiệp quy mô lớn: Doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, vai trò của các DN là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết DN đang rất khó tiếp cận với diện tích đất đai lớn để đầu tư phát triển sản xuất.

31% doanh nghiệp… than phiền
Báo cáo mới đây của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) - Bộ NN&PTNT chỉ ra, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam là sở hữu ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún.
Cụ thể, có đến 63% nông hộ trên cả nước đang sở hữu diện tích đất nhỏ hơn 0,5ha; 26% có diện tích đất nông nghiệp từ 0,5 – 2ha. Không chỉ vậy, một nông hộ còn sở hữu rất nhiều mảnh ruộng, tại những vị trí khác nhau, gây khó khăn cho ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
 Chăm sóc hoa cúc tại huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng
Thực tế, nghiên cứu của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, có đến 31% trong tổng số 700 DN khi được hỏi cho rằng, đất đai là thủ tục hành chính gây phiền hà nhất trong quá trình thực hiện đầu tư; xếp trên các yếu tố về thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường kinh doanh, thị trường…
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, khả năng tiếp cận, tích tụ đất đai còn hạn chế là bởi giới hạn về hạn điền. Thêm nữa, DN tư nhân trong nước không được giao đất nông nghiệp có thu tiền sử dụng, mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất. Trong khi đó, các DN nước ngoài cũng gặp khó khăn tương tự khi không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Cần có tổ chức trung gian 
Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã và đang xây dựng định hướng cho tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, tốc độ triển khai rất chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng và yêu cầu phát triển. Sau nhiều năm, thị trường đất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa được định hình. Dẫn chứng kinh nghiệm ở các nước có thị trường đất nông nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc…
Phó Viện trưởng IPSARD Hoàng Vũ Quang cho rằng, để xây dựng và phát triển thị trường đất nông nghiệp, bên cạnh chính sách pháp luật về đất đai, cần có các tổ chức hỗ trợ cung ứng hạ tầng phục vụ giao dịch cho thị trường hoạt động. Ví dụ như các quỹ hoặc ngân hàng phát triển đất – những tổ chức có đủ năng lực, thẩm quyền và động lực phát triển quỹ đất.
Ở một khía cạnh liên quan, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, tại Việt Nam hiện chưa có mô hình tích tụ ruộng đất rõ ràng. Chính vì vậy, để phát triển nông nghiệp, trước tiên cần tạo đột phá về tư tưởng cho những người nông dân. Thứ nữa, Nhà nước cần xây dựng, tổ chức mô hình khu nông nghiệp tập trung (giống như cách làm đối với các cụm công nghiệp), nhằm giải quyết bài toán tích tụ ruộng đất.
Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cho rằng, để tạo được một thị trường đất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tạo môi trường, hành lang pháp lý thông thoáng để thị trường vận hành tốt.
Cùng với đó, tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ về tín dụng, lao động. Đặc biệt, cần có hệ thống quản lý hiệu quả, minh bạch như những ngân hàng hay quỹ đất đai, giống như cách làm của nhiều quốc gia phát triển.