Phát triển trung tâm logistics: “Chìa khóa” tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện hoạt động sản xuất cũng như xuất nhập khẩu của Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, với tốc độ GDP năm 2018 tăng hơn 7%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Do đó, việc phát triển các trung tâm logistics được coi là giải pháp quan trọng giúp DN Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chi phí logistics chiếm 17% GDP
Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực, với bờ biển dài hơn 3.000km là những lợi thế rất lớn cho việc phát triển các trung tâm logistics mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay, đa số DN logistics nội địa đang hoạt động do quy mô nhỏ nên năng lực tài chính, trình độ quản lý hạn chế, chủ yếu vẫn dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ logistics 2PL (cung cấp dịch vụ cho bên thứ 2) mà cụ thể là dịch vụ vận tải hàng hóa. Trong khi đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, thường tìm kiếm các gói dịch vụ logistics tích hợp (phổ biến là 3PL - cung cấp dịch vụ cho bên thứ 3) vốn không đơn thuần là vận chuyển hàng hóa mà còn đi kèm với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác như thủ tục hải quan, lưu kho, đóng gói và phân phối sản phẩm.
 Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng
Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh cho biết, có 5 yếu tố đang cản trở sự phát triển của ngành logistics Việt Nam, bao gồm: Hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ chưa phát triển tương xứng với tốc độ công nghiệp hóa dẫn đến tình trạng quá tải, ùn ứ; quy trình thủ tục hải quan còn nhiều chồng chéo, cứng nhắc làm chậm tốc độ luân chuyển hàng hóa; vận tải biển nội địa chưa được phát huy hết tiềm năng để giảm tải cho vận tải đường bộ; sự phát triển thiếu quy hoạch, thiếu tính liên kết của các cảng và dịch vụ hậu cảng (kho, bãi, trung tâm logistics); các DN logistics thiếu sự liên kết. Đáng nói, chi phí logistics của Việt Nam thuộc hàng cao trên thế giới, khoảng 16 - 17% GDP là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam là nước có xuất siêu nhưng giá trị gia tăng chưa cao.

Khai thác thị trường tiềm năng

Chia sẻ về cơ hội tại hai thị trường châu Âu và châu Mỹ, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, đây là hai thị trường thương mại tiềm năng của các DN Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đã và sẽ tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các thị trường này. Do đó, để hỗ trợ DN tiếp cận, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phát triển các trung tâm logistics Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ là vô cùng quan trọng.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để khuyến khích vận chuyển đa phương thức và xử lý hàng hóa, cần hỗ trợ một trung tâm logistics bằng nhiều phương thức vận chuyển, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không. Theo đó, trung tâm logistics phải có vai trò tối ưu hóa mức dự trữ, đảm bảo chất lượng cao dịch vụ khách hàng, tối thiểu thời gian lưu chuyển hàng hóa và giảm chi phí tới mức tối ưu. Việt Nam cần xác định vị trí, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế, nằm gần các trung tâm kinh tế thương mại lớn. Bên cạnh đó, với kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao nên Nhà nước cần có chính sách đặc thù về thuế, hỗ trợ vốn… để thu hút đầu tư.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, để trung tâm logistics tồn tại và phát huy hết khả năng chuyên dụng, điều quan trọng là trung tâm logistics phải được quản lý như một cơ quan pháp lý duy nhất và trung lập, phải đảm bảo sự hợp tác đồng bộ và hợp tác thương mại. Cần có các quy định rõ ràng và hợp lý cho hoạt động chuyên môn, nhất là các khâu kiểm tra chuyên môn, chuyên ngành. Bên cạnh đó, trung tâm logistics phải đạt được các tiêu chuẩn và hiệu suất chất lượng tương đương của châu Âu để cung cấp các giải pháp vận chuyển thương mại mang tính toàn cầu và phát triển bền vững.

"Bộ Công Thương cần hỗ trợ thêm về thông tin, luật pháp liên quan đến các trung tâm logistics, đồng thời, tổ chức đoàn khảo sát sang các nước trọng điểm để các DN Việt Nam tìm đối tác đầu tư, liên doanh liên kết trong việc phát triển các trung tâm logistics tại khu vực châu Âu, châu Mỹ. " - Cố vấn cấp cao Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam Nguyễn Tương