Mục đích là tập hợp các ý kiến, quan điểm, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh công tác lý luận phê bình (LLPB) kiến trúc của ngành xây dựng nói chung và Viện Kiến trúc nói riêng, đóng góp có hiệu quả tạo chuyển biến tích cực lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi Hội thảo |
Đô thị hóa với độ nhanh và trên diện rộng đã làm thay đổi diện mạo kiến trúc đất nước. Một hệ thống đô thị được hình thành với gần 800 đô thị cũ và mới. Hàng ngàn công trình kiến trúc hiện đại, quy mô lớn được xây dựng. Tuy nhiên sự phát triển đa dạng phải đối mặt với một loạt vấn đề nghiêm trọng như: phát triển mất cân đối, môi trường xuống cấp, thiếu bản sắc, biến đổi khí hậu.. đặt ra nhiều thách thức trong việc tạo dựng không gian sống hiện đại, an toàn và bền vững. LLPB kiến trúc có tác dụng phản ánh, hơn thế là tác động thúc đẩy, định hướng cho sự phát triển kiến trúc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công tác LLPB kiến trúc thời gian qua dường như bị lãng quên, chưa phát huy được vai trò vốn có của nó.
Theo GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính, trong những năm qua, LLPB kiến trúc phát triển chưa tương ứng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kiến trúc còn nền kiến trúc chưa phát triển tương ứng với sự phát triển của đất nước. Đó là một trong những nguyên nhân của việc chưa ra đời những tư tưởng lớn của kiến trúc đương đại Việt Nam, có khả năng thúc đẩy và định hướng sáng tạo kiến trúc, lý giải sự mất định hướng nào đó trên bước đường tiến triển của kiến trúc. Biểu hiện rõ nhất của việc này là sự thịnh hành chủ nghĩa hình thức lan tràn và thiếu bứt phá trong sáng tác kiến trúc. Do vây, những biệt thự như những lâu đài phô trương, pha tạp kiến trúc xuất hiện khắp nơi. “Giới kiến trúc sư Việt Nam cần nhận rõ trách nhiệm của chính mình trong sự phát triển nền lý luận và phê bình ngang tầm với các đòi hỏi và thách thức của thời đại” - GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính nhân mạnh.
Đồng quan điểm, TS.KTS Nguyến Tất Thắng – Viện Kiến trúc quốc gia cho rằng, LLPB kiến trúc hiện nay mới chỉ lẻ bóng ở một vài chuyên gia, nhà khoa học có tên tuổi và thâm niên chứ chưa có sức thu hút, tập hợp đông đảo giới hành nghề kiến trúc sư và những người quan tâm. Các vấn đề nóng bỏng, thời sự của xã hội rất ít được đề cập trên các chuyên mục, diễn đàn nghiên cứu của các tạp chí chuyên ngành. Với những tổ chức, đơn vị được giao trách nhiệm về cống tác LLPB kiến trúc thì việc nghiên cứu chỉ mang hình thức đối phó do lương và thu nhập thấp, không khuyến khích động viên được người tham gia lĩnh vực này. Bên cạnh đó, với nhân lực làm công tác LLPB kiến trúc vừa đòi hỏi người có đam mê, sở trường lại phải có tư duy và phương pháp luận, có kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy có rất ít người đạt được yêu cầu này. Chính vì thế, nhiều khi lý luận phê bình đi sau thực tiễn, ít có lý luận phê bình mnag tính dẫn hướng, định hướng cho sáng tác.
Tại buổi Hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm, để định hướng cho công tác sáng tác, tìm con đường đi định hướng cho sự phát triển của nền kiến trúc Việt Nam theo hướng vừa hiện đại vừa có bản sắc với cốt lõi là các giá trị về tính ổn định bền vững... thì lĩnh vực LLPB kiến trúc cần phải được đặt ở một vị trí quan trọng, được quan tâm đầu tư thỏa đáng, được tạo một sân chơi và môi trường dân chủ, lành mạnh...