Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phép lịch sự trong giao tiếp gia đình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ít người cho rằng, phép lịch sự chỉ để giao tiếp với người ngoài, còn vợ chồng sống với nhau cả đời, cần gì phải lịch sự.

Hoặc quan niệm đã là vợ chồng thì nói gì, nói như thế nào chả được, cần gì phải ý tứ. Nhưng chính họ lại không biết rằng, sự vô tư, vô tâm trong lời ăn tiếng nói sẽ dẫn gia đình vào tình trạng không ai muốn nói với ai hoặc tranh nhau nói.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Các nghiên cứu về đời sống gia đình cho thấy, không cần đợi khi vợ chồng gây gổ, chiến tranh lạnh thì quan hệ vợ chồng mới có vấn đề, chỉ cần một khi hai người bạn đời không có nhu cầu tâm sự, trò chuyện với nhau, không thể chia sẻ với nhau buồn vui được nữa cũng là lúc gia đình đang trong tình trạng báo động đỏ. Thực tế, không ít người vợ than phiền chồng mình dành thời gian trò chuyện với vợ quá ít. Họ đã làm hết cách, nhưng cứ hỏi câu nào, chồng trả lời câu ấy, không hỏi thì thôi. Nhưng chính nhiều người đàn ông lại nói rằng không muốn nói chuyện với vợ, bởi cứ nói là vợ lại kể chuyện của người nọ, người kia, rồi so sánh, nhận định.

Trao đổi, chuyện trò về công việc, học hành, cuộc sống giữa vợ chồng, giữa các thành viên trong gia đình được xem là một trong những giao tiếp tất yếu, cần thiết, giúp mọi người hiểu nhau hơn và thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực, lo toan, nên các cuộc giao tiếp giữa vợ chồng nhiều khi chỉ là những trao đổi hoặc những mẩu tin nhắn cụt lủn. Hơn thế nữa, nhiều người luôn hiểu rằng phép lịch sự cần thiết cho hôn nhân không khác dầu nhờn cần cho máy móc, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Thực tế cuộc sống cũng chứng minh, rất nhiều cặp vợ chồng ít nói với nhau tiếng “cảm ơn”, “xin lỗi”. Bởi họ cho rằng cuộc sống gia đình không cần những từ khách sáo đó. Trong khi chính họ thường dạy các con phải biết nói những từ đó với cha mẹ, anh chị em. Một người mẹ kể rằng, chị cho con cái kẹo, nó cầm lấy cho vào mồm ăn thản nhiên chẳng nói gì cả. Mẹ bảo: “Con hư, lần sau ai cho cái gì phải biết nói cảm ơn”. Đứa con bảo: “Mỗi lần bố đưa lương cho mẹ, mẹ có bao giờ cảm ơn đâu!”. Câu nói của con khiến người mẹ không biết nói sao.

Đừng nghĩ giao tiếp giữa vợ chồng trong gia đình là chuyện nhỏ và sao cũng được. Những người vợ, người chồng nên nghĩ trước khi bắt đầu câu chuyện, nói chuyện gì, nên nói thế nào. Nếu không, đôi lúc những cuộc trò chuyện lại vô tình làm hai người cảm thấy khó chịu, căng thẳng. Và cũng đừng bao giờ để vợ chồng hết chuyện để nói hoặc không còn muốn nói gì với nhau, là điều các chuyên gia khuyên.