Đến nay, người ta vẫn chưa thể hình dung ra ai là quán quân mới của V.League, bởi sự thiếu ổn định của các ứng viên. Có lẽ vì thế mà nhiều người nghĩ đến hội chứng vốn ám ảnh bóng đá nước nhà suốt thời gian dài là "sợ vô địch".
Hội chứng sợ… vô địchVới làng bóng đá, vô địch là vinh dự và mục tiêu cần phải hướng đến. Có danh hiệu, những người làm bóng đá mới chứng tỏ được sự hiệu quả trong hoạt động của mình. Về nguyên tắc, các đội bóng phải hướng đến thành tích tốt nhất có thể, bởi đó là thước đo về hiệu quả của sự đầu tư. Muốn nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý cũng như những nhà tài trợ thì phải có thứ hạng cao. Thực tế là nhiều đội bóng cũng rất muốn vô địch, thậm chí đối diện với áp lực phải có danh hiệu.
|
Một pha bóng trong trận Hà Nội gặp FC Thanh Hóa. |
Vậy nhưng, ở một nền bóng đá vốn vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố nghiệp dư thì đôi khi V.League không vận hành theo quỹ đạo chuyên nghiệp. Các nhà quản lý bóng đá có quá nhiều mối lo để phải toan tính cho những bước đi của mình. Họ phải tính toán để lựa chọn của mình không mang đến gánh nặng. Thậm chí, có những đội bóng đưa ra lựa chọn nhất định để hướng đến những mục tiêu ngoài bóng đá. Và một trong những nguyên nhân quyết định khiến các đội bóng phải cân nhắc khi tham gia cuộc đua đến ngôi vô địch là tài chính. Họ lo ngại phải đối diện với mối lo về kinh phí sau khi bước lên đỉnh vinh quang. Mức đầu tư cho mùa giải mới sẽ lớn hơn khi đội bóng phải duy trì vị thế cũng như tham gia sân chơi khu vực.
Trong một nền bóng đá mà các đội bóng phải sống phụ thuộc vào ngân sách hoặc bầu sữa từ ông bầu thì vô địch hay không cần phải tính một cách kỹ lưỡng. Vậy mới có chuyện, SLNA từng chấp nhận nộp phạt 5.000 USD để không tham dự Cúp C1 châu Á. Hải Phòng nhường suất dự AFC Cup cho Hà Nội FC và phải nộp phạt một khoản tiền lớn. Than Quảng Ninh dù giàu mạnh nhưng vẫn thua… đúng lộ trình để dừng chân sau vòng bảng AFC Cup dù các đối thủ không hề mạnh.
Tam mã hay đơn mã?Hiện tại, có 3 đội bóng đang tràn đầy cơ hội giành ngôi vô địch mùa giải này là Hà Nội FC, FLC Thanh Hóa và Quảng Nam FC. Điều đáng nói là 3 đội bóng này liên tục hoán đổi vị trí của nhau. Đầu tiên là FLC Thanh Hóa băng băng về đích, nhưng giai đoạn gần đây bất ngờ phanh gấp để lần lượt Hà Nội FC và Quảng Nam FC vượt qua. Nhiều người bất ngờ về sự hụt hơi vốn thành mạn tính của đội bóng xứ Thanh. Trong mấy mùa giải qua, họ thường xuất phát rất tốt nhưng sau đó rơi dần đều! Vậy nhưng, những người yêu mến đội bóng xứ Thanh hy vọng mọi sự sẽ thay đổi ở mùa giải này khi họ có được sự đầu tư mạnh mẽ và toàn diện về lực lượng.
Trên lý thuyết, Hà Nội FC là đội bóng dày dặn về lực lượng nhất. Vậy nhưng, trong mùa giải này, họ không có được sự ổn định về phong độ. Việc đội bóng thường xuyên góp mặt ở cuộc đua vô địch những năm gần đây khiến các cầu thủ đã đầy về mặt cảm xúc và có cảm giác họ không còn khát khao như các đối thủ.
Trái với một FLC Thanh Hóa bỗng chốc mất nhiệt và Hà Nội FC thiếu sự ổn định là một Quảng Nam FC khát khao có được sự khẳng định. Chính điều này khiến nhiều người cho rằng, cuộc đua đến ngôi vô địch là đơn mã chứ không phải tam mã như nhiều người đang thấy.
Nhắc đến cục diện cuộc đua đến ngôi vô địch để thấy, V.League và đặc biệt là những ứng viên đang đối diện với một phép thử quan trọng. Họ phải thể hiện như thế nào để dư luận tin về lời đồn sợ vô địch không phải là sự thật. Nói như các đội bóng là họ đầu tư để hướng đến chức vô địch chứ không phải để nhận về sự hồ nghi và chỉ trích từ dư luận. Và quãng đường rất ngắn còn lại là dịp để người trong cuộc hoàn thành cam kết của mình với cuộc chơi, với người hâm mộ.