Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phép thử của sân khấu Bắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa bao giờ, sân khấu phía Bắc "hẩm hiu" như hiện tại: Không "cháy" vé, không có lãi, không thường xuyên sáng đèn… Chính vì vậy, để tự "cứu" mình, các nhà hát đã nghĩ ra mọi cách hòng kéo khán giả về phía mình.

Những dự án lớn

Cuối năm ngoái, lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nội thông báo con số doanh thu (20 tỷ đồng) rất đáng mừng của ngành sân khấu. Thế nhưng, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi trong số 20 tỷ đồng đó, phần lớn là doanh thu của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Còn các nhà hát như: Cải lương Hà Nội, Chèo Hà Nội…, thậm chí cả các nhà hát khối T.Ư đóng trên địa bàn Hà Nội như: Kịch Việt Nam, Tuổi trẻ, Chèo Việt Nam… đều sống "cầm cự". Nếu như trước đây, Nhà hát Tuổi trẻ từng đình đám với "đặc sản" "Đời cười", nghệ sĩ chạy sô mệt nghỉ, thì 2 - 3 năm trở lại đây, diễn mệt ngày Tết dường như lại trở thành niềm mơ ước của Đoàn kịch 1, Đoàn kịch 2. Nhà hát Kịch Việt Nam trong bước chuyển mình về nhân sự, đã chịu khó chăm chút hơn cho các vở diễn mới, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất cho các điểm diễn. Tuy nhiên, "ông anh cả" của sân khấu Việt vẫn sống chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước, chưa có vở diễn nào đại thắng về doanh thu.

 
Một cảnh trong vở hài kịch “Táo cười đón xuân” của Nhà hát Tuổi trẻ.
Một cảnh trong vở hài kịch “Táo cười đón xuân” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Không thể nhìn sân khấu cùng nghệ sĩ của mình mãi sống "cầm cự", các nhà hát nghĩ mọi cách kéo khán giả đến với sân khấu để có thêm doanh thu, đảm bảo "miếng cơm manh áo" cho diễn viên. Một trong các thử nghiệm của Nhà hát Cải lương Hà Nội là đưa điện ảnh kết hợp với cải lương bằng 2 vở diễn "Yêu là thoát tội" và "Khi hoa nở trái mùa". Việc đưa tiếng động, âm thanh của điện ảnh phục vụ hành động của diễn viên trong tác phẩm sân khấu đương đại tựa như chiếc cầu nối làm liền mạch tác phẩm. Với cách làm này, sân khấu không còn bị ngắt đoạn giữa các chương, màn, không gian của sự việc được mở rộng, làm tăng tính hiệu quả tổng thể. Bên cạnh đó, "Đêm hoàng cung" là cuộc bắt tay giữa tuồng và du lịch. Vẫn là các trích đoạn tuồng cổ "Ông già cõng vợ đi xem hội", "Liêm Cương thuần phục ngựa"… nhưng được đặt vào không gian biểu diễn mới. Đó là việc tái hiện không gian cung đình Việt Nam xưa với sự hiện diện của vua, hoàng hậu, thái tử cùng các bá quan văn võ triều đình, để khách du lịch có cảm giác được sống trong khung cảnh triều chính Việt Nam thuở xưa. Mục đích của các dự án không nằm ngoài việc kéo khán giả đến rạp.

Nghệ sĩ ra đường tiếp thị

Không lên kế hoạch cho các dự án lớn, NSƯT Chí Trung với vai trò là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đi tìm khán giả theo cách bình dân hơn. Để "cứu" sân khấu, trong dịp đầu xuân 2014, người ta thấy cả dàn nghệ sĩ của nhà hát trên đổ ra đường với những bộ mặt Táo quân giới thiệu đến công chúng Thủ đô vở diễn "Táo cười đón xuân". Và những ngày đầu tháng 3 này, khi NSND Lê Khanh và NSƯT Chí Trung đưa "Thị Hến du xuân", "Nhà có ba chị em gái"… vào TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt (Lâm Đồng) thì cũng là lúc những tên tuổi nổi tiếng như: Chí Trung, Lê Khanh, Thu Hương (Hương "Tươi") chạy đôn đáo khắp nơi tiếp thị vở diễn. Ngoài thời gian tập vở, các nghệ sĩ tranh thủ “cắm chốt” cả tháng ở địa bàn diễn, tiếp cận các công ty, đơn vị quen biết mời mua vé tập thể. Chí Trung không ngần ngại in số điện thoại của mình trên các tờ rơi quảng cáo, mở máy 24/24 giờ để trực tiếp bán vé. NSND Lê Khanh tâm sự: "Nhờ có chút tên tuổi, nên khi đi tiếp thị, chúng tôi bán được nhiều vé hơn các diễn viên trẻ".

Cách đưa nghệ sĩ ra đường tiếp thị sân khấu là "bài" mà Chí Trung đã từng làm cách đây gần 20 năm, cũng là "chiêu" mà nghệ sĩ Phước Sang, Hồng Vân từng áp dụng khi sân khấu phía Nam khốn khó. Phải ghi nhận, khi nghệ sĩ bỏ qua sĩ diện vì là người của công chúng, hết mình vì nghệ thuật, sân khấu đã tìm được bước chuyển mình. So với 20 năm trước, bây giờ cách thưởng thức văn hóa của người dân có nhiều khác biệt, nhưng chắc chắn không ai bỏ bê sân khấu nếu nghệ sĩ tìm ra hướng đi đúng để đến trái tim người xem.