Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phép thử đa mục đích

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một tuần sau khi CHDCND Triều Tiên thông báo kế hoạch sẽ phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 22/12, thế giới đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo động thái trên của Bình Nhưỡng.

Bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế và ngay cả những đồng minh thân cận như Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên vẫn thực hiện bước đi mà nhiều chuyên gia nhận định là một phép thử đa mục đích.

Dù hiện chưa rõ ý đồ của vụ phóng vệ tinh sẽ nhằm vào ứng viên bảo thủ Park Geun-hye hay ứng viên tự do Moon Jae-in, nhưng có một điều chắc chắn rằng kế hoạch của Bình Nhưỡng đã tạo nên một bước ngoặt mới trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào ngày 19/12 tới.

Ngoài ra, vụ phóng vệ tinh lần lần thứ 2 trong năm nay của Bình Nhưỡng, theo sau một nỗ lực bất thành hồi tháng 4 được cho là một nỗ lực khác của Bình Nhưỡng nhằm đánh bại Seoul trong việc đặt một vệ tinh lên quỹ đạo. Điều đáng lo ngại là kế hoạch phóng "vệ tinh" này của Bình Nhưỡng đã và đang làm dấy lên một cuộc đua vũ trang mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 
Phép thử đa mục đích - Ảnh 1
 
Triều Tiên tiếp tục phóng vệ tinh sau nỗ lực bất thành hồi tháng 4.

Hôm 6/12, Nhật Bản đã triển khai 3 tàu khu trục tới các vùng biển nơi CHDCND Triều Tiên thông báo tên lửa mang vệ tinh sẽ bay qua. Vụ phóng này cũng đóng vai trò như một phép thử về chính sách ngoại giao đối với Tổng thống mới tái cử Barack Obama của Mỹ cũng như với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Mỹ - đồng minh truyền thống thân cận nhất của Nhật Bản và đồng minh chiến lược mới của Hàn Quốc đã không từ bỏ cơ hội để đóng một vai trò lớn hơn trong tiến trình quay trở lại khu vực.

Trung tướng Salvatore Angelella, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Nhật Bản cho biết, Washington đang phối hợp chặt chẽ với Tokyo để theo sát diễn biến "rất nguy hiểm" và đã điều một số tàu đến Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc - đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng đã có một động thái chưa từng có là chính thức bày tỏ "lo ngại về kế hoạch phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên và hy vọng các bên liên quan có thể hành động theo một cách có lợi hơn cho ổn định của bán đảo Triều Tiên".

Dù kế hoạch của CHDCND được cho là nhắm vào nhiều mục tiêu khác nhau nhưng nếu không xử sự hợp lý, chính Bình Nhưỡng sẽ là trở thành đối tượng bị tấn công và tổn thương nhiều nhất. Hiện, bên cạnh những tuần dương hạm, tàu khu trục sẵn sàng chiến đấu ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng còn có nguy cơ phải đối mặt với việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc sẽ xem xét áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới. Nếu điều này trở thành sự thật, nền kinh tế vốn kiệt quệ của quốc gia này sẽ khiến người dân Triều Tiên là đối tượng bị tổn thương đầu tiên và nhiều nhất.