Với riêng ông Tuấn, đây thực sự là phép thử về khả năng chuyên môn, quan hệ đối ngoại cũng như tầm nhìn về chiến lược. 3 năm trước, ông Tuấn là người phản đối việc thuê HLV ngoại Falko Goetz. Quan điểm của ông là ủng hộ việc thuê HLV ngoại nhưng phải là người hiểu biết về bóng đá châu Á. Thế nhưng, lãnh đạo tầm cao đã quyết chọn Falko Goetz. Cay đắng làm sao, ông Tuấn khi ấy với tư cách là Tổng Thư ký VFF đã phải đứng ra ký hợp đồng và chính chữ ký ấy gần một năm sau đã khiến ông Tuấn bị bay khỏi ghế. Giờ, ông Tuấn đã biến nguy thành an. Thậm chí, từ chỗ là người thừa hành, ông Tuấn giờ sắm vai là người chọn lựa. Nhưng chính điều đó lại khiến áp lực với ông càng tăng lên. Bởi, ai cũng biết, đây là quyết định đầu tiên của ông từ khi trở lại với mái nhà VFF. Đáng nói hơn, quyết định ấy sẽ quyết định sự thành bại của ĐTQG trong tương lai không xa. Người ta đánh giá cao ở ông Tuấn về mảng đối ngoại. Việc ông Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn này chọn Nhật Bản là điểm xuất ngoại đầu tiên đã cho thấy điều đó. Ở Nhật, có nhiều đối tác của ông Tuấn. Và ở Nhật, người ta sẵn sàng hỗ trợ ông Tuấn một cách toàn diện và triệt để. Vậy nên, kết quả của chuyến đi tới Nhật lần này sẽ giúp ông Phó Chủ tịch VFF chứng tỏ vai trò và vị trí của mình. Nếu ông thành công trong việc tìm kiếm một HLV giỏi, mở ra một hướng hợp tác toàn diện với nền bóng đá phát triển bậc nhất châu lục thì uy tín cá nhân sẽ lên cao. Nhưng, cần phải nhấn mạnh, nếu chuyến đi này không tạo ra sự thay đổi theo hướng tích cực cho nền bóng đá thì nỗi ám ảnh trong quá khứ về thương vụ với Falko Goetz sẽ ùa về. Và, hẳn ông Tuấn - người đã nếm trải bao cay đắng mới tìm được đường về với VFF sẽ chẳng muốn lặp lại chuyện xưa.