Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phía đông TP Hồ Chí Minh: Tâm điểm của thị trường bất động sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo của giới chuyên môn, năm nay, khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục là tâm điểm của thị trường bất động sản (BĐS).

Cùng với đó, những cải cách về hệ thống pháp lý tiếp tục được áp dụng sẽ giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

Sự trỗi dậy của vùng phụ cận…

Nếu căn cứ theo Đồ án quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2010, hướng phát triển chính của TP Hồ Chí Minh được xác định là khu vực phía Đông và phía Nam. Trên thực tế, cùng với định hướng không gian phát triển được thể hiện trong đồ án quy hoạch TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, một loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng, các khu đô thị mới, khu dân cư... cũng được đầu tư tập trung tại hai khu vực này.
Theo nhiều chuyên gia, sự đồng bộ về hạ tầng và tiện ích là cơ sở khẳng định lợi thế vượt trội của bất động sản khu Đông.
Theo nhiều chuyên gia, sự đồng bộ về hạ tầng và tiện ích là cơ sở khẳng định lợi thế vượt trội của bất động sản khu Đông.
Tuy nhiên, việc định hướng phát triển tập trung vào hai khu vực nói trên, nhất là đối với khu Nam đang phát sinh những vấn đề khó giải quyết. Dễ nhận thấy nhất chính là tình trạng ngập lụt cục bộ sau những cơn mưa lớn, hay như tình trạng kẹt xe kéo dài trên những cửa ngõ ra vào TP từ phía Nam... Thực tế đó khiến các nhà quản lý và làm chính sách - quy hoạch buộc phải xem xét lại định hướng quy hoạch khu vực này. Có lẽ vì những lý do đó, cùng một loạt những điều chỉnh đồ án quy hoạch thời gian gần đây cho thấy, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang có sự "xoay chuyển định hướng" không gian phát triển về khu Tây Bắc TP.

Một loạt dự án BĐS lớn cùng sự xuất hiện của những nhà đầu tư uy tín thời gian gần đây cho thấy rõ xu hướng này. Điển hình có thể kể đến Phúc Khang với dự án Làng Sen; Công ty CP Địa ốc Cát Tường Đức Hòa với dự án Khu Đô thị Thương mại – Dịch vụ Cát Tường Phú Nguyên; Thanh Yến Land với dự án Khu dân cư Thanh Yến Residence; Tập đoàn quốc tế Năm Sao với dự án Five Star Eco City...

Nhiều chuyên gia nhận định, với xu hướng giãn dân từ trung tâm ra vùng ven và các địa phương lân cận, khu vực Tây Bắc TP Hồ Chí Minh hứa hẹn sẽ là nơi mở rộng đô thị đầy tiềm năng dành cho các nhà đầu tư trong tương lai không xa.

Nhiều lợi thế từ khu Đông

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mặc dù có sự cạnh tranh cực lớn từ sự trỗi dậy của các vùng phụ cận, nhưng, khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh chiếm giữ vị trí “độc tôn” của thị trường BĐS trong một vài năm tới, bởi những lợi thế tuyệt đối. Trong đó, trước hết phải kể đến chính là sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông và tiện ích. Bên cạnh đó, việc chiếm lĩnh vị trí liền kề trung tâm TP Hồ Chí Minh hứa hẹn khu Đông sẽ trở thành một trung tâm kinh tế tài chính bậc nhất, với điểm nhấn là sự hình thành của Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khu Đông thời gian qua trở thành “điểm ngắm” của hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo báo cáo thống kê mới đây của Công ty CBRE Việt Nam, dự kiến từ nay đến năm 2017, nguồn cung căn hộ tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ; trong đó tỷ lệ tăng trưởng căn hộ tại quận 9 có thể sẽ lên đến 200%. Ông Marc Townsend - Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nhấn của thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh chính là sự bứt phá của hạ tầng. Chính vì lẽ đó, năm 2015, trong khi cả thị trường TP Hồ Chí Minh ghi nhận khoảng 41.787 căn hộ từ 78 dự án thì riêng tại khu Đông đã chiếm đến 47% của cả thị trường. “Thời gian qua, khu Đông đã xuất hiện làn sóng thu hút giới đầu tư lẫn những người có nhu cầu nhà ở từ nhiều quận, huyện có sự dịch chuyển về đây. Bởi xét ở góc độ nhu cầu nhà ở và cả đầu tư, khu Đông đều mang lại nhiều lợi thế tiềm năng tối ưu hơn nhiều khu vực khác. Những động thái đó cho thấy, xét ở góc độ thị trường, trong một vài năm tới, “sóng lớn” sẽ khó qua khỏi khu Đông”- ông Marc Townsend nhận định.