Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên chất vấn cuối cùng, Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội: Thiếu hơn 65.000 giáo viên mầm non

Nhóm phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Theo chương trình phiên họp, từ 15 giờ 50 phút – 16 giờ 35 phút, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của ĐB Quốc hội.

Bắt đầu từ 14h chiều nay, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Đáng chú ý, từ 15h50 đến 16h35, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Cuối giờ chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Hiện có gần 500 cơ sở gây ô nhiễm trên toàn quốc

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Tuấn Anh về sự vênh nhau trong dữ liệu tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải giữa Bộ TN&MT (88%) và Bộ KH&ĐT (87%), Bộ trưởng TN&MT thừa nhận: "Phát hiện của ĐB là đúng".

Bộ trưởng TN&MT cho biết, con số vênh nhau giữa các bộ do khác nhau về thống kê đối tượng và thời gian tiếp nhận. Hiện có 20 khu công nghiệp đang làm hồ sơ và Bộ TN&MT chưa tiếp quản. Cuối năm nay khi số khu công nghiệp này được bàn giao về Bộ TN&MT quản lý thì các số liệu sẽ khớp.

 Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà.

ĐB Mai Sỹ Diến và Nguyễn Thị Lệ Thuỷ chất vấn Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà việc chậm trễ trong thực hiện quyết định 1788 của Thủ tướng về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

“Theo kế hoạch năm 2015 phải xử lý dứt điểm 229 cơ sở ô nhiễm môi trường và đến năm 2020 là 435 cơ sở. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới đạt được 230 cơ sở, còn 205 đơn vị. Trong 2 năm tới liệu có đạt mục tiêu không?” ĐB Mai Sỹ Diến chất vấn.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện có gần 500 cơ sở gây ô nhiễm trên toàn quốc, trong đó có những cơ sở từ trước năm 1993. Trong số này Nhà nước chỉ bỏ kinh phí xử lý đơn vị công ích, còn các cơ sở do doanh nghiệp đầu tư sẽ phải tự chịu trách nhiệm, nếu vi phạm ô nhiễm nghiêm trọng thì đóng cửa. 

Để xử lý số cơ sở ô nhiễm này, theo ông Hà, cần khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng đến giờ mới cân đối được 500 tỷ đồng; các tỉnh, thành phải đối ứng 50% vốn trong số này song hiện nhiều địa phương tồn tại cơ sở ô nhiễm không có nguồn thu, chủ yếu dùng ngân sách Nhà nước, nên gặp khó khăn trong xử lý.

Vẫn còn hiện tượng trục lợi chính sách

Trả lời ĐB Mai Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Trị), Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, việc xem xét, công nhận các chế độ, chính sách với người có công được tiến hành theo đúng các quy định hiện hành. Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương đều tập trung quyết liệt cho việc giải quyết hồ sơ tồn đọng và công tác này từng bước đã có hiệu quả nhất định.

 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

“Về tổng thể, chính sách với người có công được thực hiện bảo đảm nghiêm minh, đúng, đủ và kịp thời. Cả hệ thống chính trị đều quan tâm vấn đề này. Nhiều cấp, ngành, địa phương đưa việc quan tâm, chăm lo cho người có công thành văn hoá ứng xử”, Bộ trưởng chia sẻ.

Tư lệnh ngành LĐTB&XH cho hay: Bên cạnh nhiều kết quả tốt đẹp, qua gần 70 năm thực hiện chính sách với người có công, vẫn còn hiện tượng trục lợi chính sách. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã quyết liệt trong việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Cho đến nay, Bộ và các địa phương đã phát hiện, đình chỉ 6.510 trường hợp hưởng sai chế độ dành cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hoá học... Các cơ quan chức năng như toà án đã truy tố 49 vụ, trong đó có 171 bị cáo, phạt tù 45 bị cáo, cho hưởng án treo với 124 bị cáo.

“Quan điểm của Bộ LĐTB&XH là không ban hành Luật người có công, mà tiến hành các quy trình trình Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi toàn diện Pháp lệnh người có công; lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác hành vi vi phạm để xử lý; tiếp tục thanh tra số hồ sơ thương binh giai đoạn 2015-2018 trong phạm vi cả nước...”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. 

Không sử dụng ngân sách nhà nước khắc phục sự cố cầu Vàm Cống

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Ngọc Phương liên quan đến cầu Vàm Cống, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là dự án quan trọng, kết nối trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ Australia tài trợ không hoàn lại 100 triệu USD để thực hiện cây cầu này. Ngoài ra, Chính phủ Australia cũng tài trợ không hoàn lại cho công tác tư vấn.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Cũng theo tư lệnh ngành GTVT: Khi xảy ra sự cố kỹ thuật, Chính phủ Australia sử dụng tiền hỗ trợ không hoàn lại để hỗ trợ dự án chi trả tiền thuê tư vấn thẩm tra lại phương án sửa chữa, đồng thời hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thẩm định toàn bộ cây cầu. Chi phí sửa chữa hiện nay được sử dụng từ nguồn nhà thầu của Hàn Quốc và bảo hiểm quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Việc tư vấn, sửa chữa dự án không sử dụng ngân sách Việt Nam”.

Việt Nam không còn tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng

Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, trong 3 năm qua, NHNN đã báo cáo và Chính phủ kiên định định hướng tập trung củng cố nền tảng vĩ mô, giữ lạm phát ở mức thấp, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Kết quả đạt được rõ nét là các doanh nghiệp gia tăng về số lượng và lượng vốn đưa vào sản xuất kinh doanh, thị trường chứng khoán đã tăng.

“Kết quả đó cho thấy biện pháp, chính sách mà Chính phủ và NHNN theo đuổi là rất kiện định, nhất quán, đúng hướng”, Thống đốc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tiền gửi VND từ dân tăng mạnh, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm. Một nguồn lực ngoại tệ người dân nắm giữ đã được chuyển hóa sang VND. Minh chứng rõ là nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước tăng mạnh trong thời gian qua, một phần đến từ nguồn ngoại tệ trong nhân dân.

Trên thị trường vàng, nhiều năm trở lại đây, Nhà nước không còn phải tiêu tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng nhờ thị trường vàng ổn định. Kết quả đó cho thấy bước đi của NHNN và theo chỉ đạo của Chính phủ là  rất đúng hướng. Thời gian tới, NHNN tiếp tục kiên định các chính sách này.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Về dư nợ tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, đến cuối tháng 8/2018, dư nợ tín dụng tăng 5,3% so với năm 2017 - tốc độ này thấp hơn tốc độ tín dụng chung của toàn ngành. Tín dụng trong kinh doanh bất động sản chiếm tỉ trọng khoảng 7,4% (trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 9,79%). Dư nợ tín dụng đối với dự án BOT giao thông tăng 5,6% so với năm 2017, chiếm tỉ trọng 1,6% trong tổng dư nợ tín dụng. Dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán tăng 1,7% so với năm 2017...

“Những số liệu này cho thấy, NHNN đã thực hiện rất nhất quán chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội là kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiềm ẩn rủi ro thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tăng hệ số tỉ lệ an toàn đối với các khoản vay bất động sản cũng như kiểm soát chặt chẽ dư luận, tiến hành thanh tra để cảnh báo các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tỷ  trọng và tốc độ tăng dư nợ tín dụng...”, Thống đốc NHNN nói.

Sẽ tiếp tục cải cách để giảm phiền toái trong sử dụng căn cước công dân

Trả lời câu hỏi ĐB Trần Kim Yến (đoàn TP Hồ Chí Minh) liên quan đến vấn đề phiền toái trong sử dụng căn cước công dân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp giải quyết các vướng mắc thực tế trong quá trình cấp và sử dụng căn cước công dân như cấp giấy xác nhận chứng minh Nhân dân, giải quyết các vướng mắc có liên quan tới hộ khẩu, ngày sinh, tháng sinh, chi tiết thân nhân...

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an thừa nhận, qua 3 năm, vấn đề này vẫn cần được tiếp tục cải cách. Bộ Công an tiếp thu ý kiến các đại biểu và sẽ sửa đổi các thông tư hướng dẫn trong quý 1/2019, điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm phiền toái cho người dân trong việc sử dụng căn cước công dân.

“Người người, nhà nhà" làm du lịch

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Kim Yến, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, thực trạng "người người, nhà nhà" làm du lịch dẫn đến lãng phí tài nguyên du lịch đất nước.

 Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Để chấn chỉnh thực trạng này, Bộ đã tập trung vào một số giải pháp như: Thực hiện Nghị quyết 103 của Chính phủ về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; đặt mục tiêu đến năm 2020 đón từ 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế, trên 100 triệu lượt khách nội địa...

“Bộ VHTT&DL cũng đã nghiên cứu để ban hành chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tái cơ cấu lại ngành du lịch Việt Nam; hướng dẫn các địa phương trong liên kết phát triển du lịch, trọng tâm là liên kết phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và quảng bá du lịch”, Bộ trưởng Thiện nói.

Chấn chỉnh tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật

Trả lời câu hỏi của ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) về việc ban hành các văn bản trái pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ được giao kiểm tra văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền các tỉnh; nếu phát hiện sai phạm thì kiến nghị Thủ tướng ra quyết định cuối cùng.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Năm 2017, kết quả kiểm tra cho thấy, có 157 văn bản trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền, trong đó có 124 văn bản ở mức độ có thể gây hậu quả cho tổ chức và cá nhân. Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ đã đề ra nhiều giải pháp như: Các địa phương khẩn trương tự rà soát các văn bản; thành lập các đoàn công tác liên ngành; đề xuất nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; gia tăng công tác thẩm định văn bản của cơ quan tư pháp ở các địa phương; tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện sai thì phải đôn đốc sửa đổi kịp thời...

Phân hiệu đại học không phải là pháp nhân

Trong phiên chất vấn sáng 1/11, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nêu vấn đề điều 21 Luật Giáo dục năm 2012 quy định phân hiệu đại học không có tư cách pháp nhân. Trong khi đó, điểm a khoản 5 điều 10 Thông tư 08 năm 2014 của Bộ GD&ĐT nói rằng phân hiệu đại học có con dấu có tài khoản tức có tư cách pháp nhân.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh đặt câu hỏi: “Thông tư của bộ quy định như vậy có trái với luật không, với khẳng định trong báo cáo của bộ là đã quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với định hướng của Nghị quyết 29, Nghị quyết 19 không?”.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, quy định không mâu thuẫn, không trái quy hoạch.

Bộ trưởng cho biết: Theo điều 74 Luật Dân sự, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi đủ 4 điều kiện: được thành lập theo quy định của bộ máy này và các luật liên quan, có cơ cấu tổ chức theo quy định tại điều 83 Luật Dân sự, có tài khoản độc lập với các cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó, nhân danh mình tham gia các hoạt động pháp luật một cách độc lập.

Cũng theo tư lệnh ngành GD&ĐT: Theo khoản 5 Thông tư 08 năm 2014 của Bộ GD&ĐT, phân hiệu của đại học vùng có con dấu và tài khoản riêng nhưng không có tư cách pháp nhân vì nó là một đơn vị thuộc đại học vùng, chịu quản lý của đại học vùng, không có tài sản độc lập với đại học vùng, không nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

“Như vậy, phân hiệu đại học vùng chưa đáp ứng 4 điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định của điều 74 Luật Dân sự”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: Quy định của Thông tư 08 phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học. Vì chỉ là một bộ phận trong cơ cấu của đại học, trường đại học, không phải một cơ sở giáo dục đại học độc lập, quy hoạch mạng lưới các trường đại học hiện hành theo Quyết định 37/2013 của Thủ tướng không quy định đối với phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học.

Các bệnh viện kê đơn thuốc đắt tiền không cần thiết

Trả lời ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về việc các bệnh viện kê đơn thuốc đắt tiền không cần thiết, kê đơn sai sót, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận đang tồn tại thực trạng này.

Theo Bộ trường, giải pháp được đưa ra là siết chặt hơn thông tư về quy chế kê đơn thuốc; thực hiện kê đơn thuốc điện tử; Bảo hiểm xã hội kiên quyết không thanh toán những đơn thuốc không đạt yêu cầu; xử lý nghiêm bác sỹ thực hiện kê đơn không đúng quy định.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Về trách nhiệm, Bộ trưởng cho biết, việc này thuộc trách nhiệm của bác sỹ kê đơn, của bệnh viện, nhưng cũng có cả trách nhiệm về quản lý nhà nước của Bộ Y tế, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm hơn với những trường hợp vi phạm.

Liên quan đến vấn đề ứng dụng CNTT trong ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay việc này đang được thực hiện rất quyết liệt nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Với sự phối hợp của Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế và sự hỗ trợ của tập đoàn Viettel, hiện ngành Y tế đã nối thông 100% các cơ sở khám chữa bệnh, kể cả trạm y tế xã với Bảo hiểm xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng Y tế: Trước kia, việc giám định các trường hợp bệnh nhân thường được tiến hành ngẫu nhiên, nhưng hiện nay, 100% bệnh nhân đã được Bảo hiểm xã hội giám định việc điều trị, kê thuốc, thanh toán. Tuy nhiên, trong lộ trình thực hiện cũng có cái khó là mã dùng chung, danh mục mua thuốc quá nhiều.

“Hy vọng, với sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, Bộ Y tế và Bộ LĐ,TB&XH sẽ có thể đẩy nhanh tiến độ ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế”, nữ Bộ trưởng bày tỏ.

Thiếu hơn 65.000 giáo viên mầm non

Trả lời chất vấn của ĐB Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) về biên chế giáo viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

“Theo đó, giáo viên đang dạy hợp đồng ở các trường mầm non dân lập và bán công được hưởng chế độ như giáo viên mầm non công lập. Do rất ít trường chuyển từ chế độ hợp đồng sang biên chế với giáo viên mầm non, nên hiện nay, số giáo viên mầm non đang thiếu hơn 65.000 người”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Sau cuộc họp tháng 5-2018 của Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ cùng Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính xem xét bổ sung biên chế hệ mầm non, rà soát lại hợp đồng của giáo viên trước năm 2015 để tuyển chọn vào biên chế.

“Về lâu dài, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện 6 giải pháp chính như: Rà soát số học sinh, giáo viên thực tế; hoàn thiện các nghị định, quy định về đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng mô hình chuyển đổi các trường công lập sang ngoài công lập; rà soát định mức; luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; hoàn thiện đề án vị trí việc làm”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Số lượng đại biểu chất vấn đạt kỷ lục

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thời gian dành cho phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành chỉ còn hơn 20 phút nhưng số lượng câu hỏi quá nhiều.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đb cho phép Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời bằng văn bản những vấn đề chưa trả lời hết trên nghị trường.

“Chưa có lần nào số ĐB chất vấn và tranh luận đạt kỷ lục như lần này. Danh sách chất vấn gồm 142 đại biểu, hơn 80 lượt ĐB tranh luận”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cắt giảm 3.004 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm 4.000 tỷ đồng/năm

Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Trí Thức (đoàn Thanh Hoá) về thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện sản xuất kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2018, Chính phủ ban hành nghị quyết 01, đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh, 50% các thủ tục về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá nhập khẩu. Hiện có 243 ngành nghề kinh doanh với 6.191 điều kiện kinh doanh. Như vậy, việc có nhiều điều kiện kinh doanh gây không ít khó khăn cho các DN trong việc gia nhập thị trường.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Theo báo cáo 2018, DN phải bỏ ra 28.800.000 ngày công, tương đương 14.200 tỷ đồng để thực hiện các thủ tục hành chính. Sau khi Thủ tướng chỉ đạo các cấp, bộ, ngành tập trung cắt giảm điều kiện kinh doanh, coi đây là khâu đột phá trong việc tăng trưởng, các thủ tục đã được rà soát lại kỹ lưỡng, bảo đảm quyền lợi của DN, nhưng vẫn đáp ứng điều kiện quốc phòng, an ninh quốc gia, an ninh xã hội, sức khoẻ cộng đồng…

Theo Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ, đến nay, cả nước đã cắt giảm được 3.004 điều kiện kinh doanh. Điều này giúp cho các DN và đơn vị tiết kiệm được thời gian và chi phí, ước tính tiết kiệm được 4.000 tỷ đồng/năm.

Tăng trưởng ấn tượng kể từ khi Đổi Mới

Sau giờ giải lao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn phát biểu, trả lời một số vấn đề đại biểu nêu.

Thủ tướng cho biết: Gần 75 năm sau ngày độc lập, gần 45 năm sau thống nhất và hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi có nhiều thành công trong phát triển và giảm nghèo. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) có tên “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam” ghi nhận trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục triệu người.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Thủ tướng: Mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi Đổi Mới là rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.

Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỷ đô-la Mỹ năm 1985 lên ước đạt 244 tỷ đô-la Mỹ năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 đô-la Mỹ nay đã tăng lên gần 2.540 đô-la Mỹ (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 đô-la Mỹ).

Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 90, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần Việt Nam nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Mỹ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước OECD từ 184 lần xuống còn 16 lần…

GDP ước đạt khoảng 2.500 tỷ USD vào năm 2045

Thủ tướng cho biết: Chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững.

Thực hiện nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách phát triển tam nông; đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong các hoạt động của đời sống kinh tế và xã hội;

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Đồng thời, củng cố năng lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, sẵn sàng ứng phó và không để bị bất ngờ trong mọi tình huống hay trước bất kỳ các thách thức và mối đe dọa nào có thể xảy đến.

Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045 – mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 – 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc. 

Thách thức từ cách mạng 4.0

Tôi tin rằng nhiệm vụ phát triển đặt ra cho Việt Nam trong 5-10 năm tới và xa hơn đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt những xu thế công nghệ và chuyển động của thế giới toàn cầu hóa mà chúng ta đang phải đối mặt. Tôi xin nêu ví dụ:

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có đặc trưng là sự phát kiến một loạt các công nghệ mới kết hợp giữa thế giới vật lý với thế giới kỹ thuật số và sinh học; tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế. Nhiều thành tựu và tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, siêu máy tính di động, robot thông minh, xe tự lái, công nghệ sinh học vv….Tất cả những điều này đem đến cho chúng ta khả năng đi tắt đón đầu và cả nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu chúng ta không biết nắm bắt cơ hội hoặc bàng quan vô cảm trước các chuyển động xu thế công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa.

Một trong những thách thức nổi lên từ Cách mạng 4.0 là làm tăng nguy cơ mất việc làm trong một số ngành công nghiệp truyền thống. Những lao động giản đơn rất dễ bị thay thế, trong khi đây lại là đối tượng dễ bị tổn thương thu nhập. Việt Nam là một trong những nước chịu thách thức lớn của khả năng thay thế lao động trong các ngành công nghiệp truyền thống, sử dụng nhiều lao động. Do vậy, chúng ta cần chuẩn bị cho mình những điều kiện then chốt, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đàn chim muốn bay nhanh phụ thuộc vào con chim cuối đàn

Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, điều này cho thấy các hộ gia đình vẫn đang leo cao hơn trên nấc thang kinh tế sau khi thoát nghèo. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau.

Có câu nói: “một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn”. Nhưng tôi cũng xin chia sẻ thêm với các đại biểu: đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn.

Nếu tất cả 63 tỉnh thành, tất cả chúng ta ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ năm xưa.

Thủ tướng nhấn mạnh: Hơn lúc nào hết, chúng ta cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Tôi xin nêu một ví dụ: chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Nhân đây tôi đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

 Thủ tướng điểm 9 trọng tâm sắp tới của Chính phủ.

Kết thúc bài trình bày, Thủ tướng cảm ơn các đại biểu Quốc hội về những ý kiến thảo luận, chất vấn đã giúp Chính phủ nhận diện rõ nét hơn những hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động và giải pháp sát thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra.

Thủ tướng đề nghị tất cả hãy cùng nhau tập trung sức lực, làm thật tốt những nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ này. Thủ tướng điểm 9 trọng tâm sắp tới của Chính phủ gồm:

  1. 1. Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống.
  2. 2. Quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế theo NQ 24 của Quốc hội một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, trong đó có việc giải quyết những yếu kém, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập (nhất là thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, các loại chi phí còn cao, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh,…), nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia..
  3. 3. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25 của QH về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, bảo đảm cơ cấu chi NSNN hợp lý hơn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm bội chi NSNN xuống mức 3,5% GDP  vào năm 2020. Triển khai hiệu quả, minh bạch kế hoạch đầu tư công theo Nghị quyết 26 của Quốc hội và bảo đảm trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong mức Quốc hội quy định, trong đó có việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, hiệu quả sử dụng nợ công, chống thất thu ngân sách.
  4. 4. Thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải chiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó gỡ bỏ những rào cản cho doanh nghiệp phát triển; giải quyết những vấn đề bất cập, yếu kém trong huy động, phân bổ nguồn lực, quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng mà nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
  5. 5. Ưu tiên phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế, đầu tư phát triển giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc gây bất an trong nhân dân như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, tội phạm và mất an ninh trật tự an toàn xã hôi, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, phòng chóng cháy nổ,...
  6. 6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng.
  7. 7. Tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự ổn định chính trị- xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
  8. 8. Nâng cao hiệu quả đổi ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký.
  9. 9. Nỗ lực hết sức nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và Quốc hội.
  10. Không "đuổi gà qua đám giỗ"

  11. Sáng 1/11, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) chất vấn: Trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa rồi cho thấy sự tín nhiệm, ghi nhận, trân trọng của đại biểu Quốc hội với những nỗ lực, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ. Nhất là sự tín nhiệm rất cao của đại biểu đối với Thủ tướng. Song qua đó cho thấy sự tín nhiệm, đánh giá của đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ có số phiếu cao thấp khác nhau.

    Dù biết rằng có một số bộ trưởng đã có nhiều giải pháp để khắc phục những hạn hế, yếu kém từ nhiều năm trước và bước đầu có hiệu quả nhưng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những cơ sở quan trọng để thấy sự thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ của một số thành viên Chính phủ.

    “Từ đó, tôi đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp gì thực sự mạnh mẽ hơn để bộ máy của mình hoạt động đều tay, trách nhiệm, hiệu quả hơn”, nữ ĐB Quốc hội đề nghị.

    Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Thủ tướng nói: Năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài nhưng đều nằm trên cổ tay. Và cổ tay đó chụm lại trước sự đoàn kết trong Chính phủ với 30 đồng chí Ủy viên Trung ương, 6 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Có một câu cho rằng trăm dâu đổ đầu tằm. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực còn yếu kém.

    Các biện pháp được đưa ra khắc phục, Thủ tướng phải chỉ đạo, đông đốc tốt hơn đối với các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh. Thực tế cùng một cơ chế, cùng một chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt. Ngược lại còn có sự trì trệ sai sót lớn do điều hành mà gây ra.

    Thứ hai, Các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tác nhất là phương pháp nêu gương, kiểm tra các cục vụ, viện và cán bộ thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng trên nóng dưới lạnh.

    Thứ ba là tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát cơ sở, sát địa phương, để không "đuổi gà qua đám giỗ", sơ sài vô trách nhiệm, sợ gian khổ.

    Thứ tư, không làm được, vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp.

    Nhân đây, tôi muốn nói với một nước đông dân đông dân như nước ta, Chính phủ, trưởng ngành điều hành công việc rất phức tạp, rủi ro, cũng mong đại biểu Quốc hội thông cảm vì anh em phần lớn làm nhiệm kỳ đầu.

  12. 135 đại biểu đặt câu hỏi, 82 tranh luận

    Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần đổi mới cải tiến, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tổng cộng đã có 135 ĐB đặt câu hỏi chất vấn, 82 lượt ý kiến tranh luận.

    Các thành viên Chính phủ trong đó có 19 bộ trưởng, 2 phó thủ tướng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm quản lý điều hành của mình.

    Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng đã có bài báo cáo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ, và trực tiếp trả lời câu hỏi của một số ĐB.

    Phiên chất vấn và trả lời chất vấn có thể coi là một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn; thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề mà cử tri quan tâm.

    Nội dung chất vấn có phạm vi rộng, nhiều nội dung liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở hầu hết lĩnh vực hành pháp, tư pháp. Phiên chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa ĐB và người chất vấn mà còn các ĐB với nhau để làm rõ vấn đề.