Động thái này đã phần nào đem lại kết quả tích cực cho các vị lãnh đạo. Tuy nhiên, về lâu dài, các chính sách này lại bị nghi ngờ hiệu quả.
Vừa qua, đề xuất áp dụng trở lại các hình phạt hà khắc của đạo Hồi đã gây ra nhiều tranh cãi tại Quốc hội Malaysia. Dự luật mới sẽ được đưa ra xem xét vào tháng 10/2016. Nếu được thông qua, một số hình phạt hà khắc như ném đá hoặc chặt tay, chân đối với người phạm tội sẽ được áp dụng. Thủ tướng Najib Razak đã cố gắng xoa dịu phản ứng gay gắt của dư luận và cho rằng, dự luật chỉ áp dụng tại tòa án Hồi giáo và người theo đạo Hồi. Tuy nhiên, những người không theo đạo Hồi trong liên minh cầm quyền Barisan Nasional đã đồng loạt chỉ trích đề xuất này với lý do không phù hợp với Hiến pháp. "Dự luật đề xuất không phù hợp với các quy định của Hiến pháp, trong đó quy định, người Malaysia được đối xử bình đẳng trước pháp luật" - nghị sĩ Subramaniam nói. Nhiều quan chức đe dọa sẽ rời bỏ nội các nếu dự luật này được thông qua tại Quốc hội, trong đó có Bộ trưởng GTVT Liow Tiong Lai và Bộ trưởng Y tế Subramaniam. Chandra Muzaffar, đại diện các tổ chức phi chính phủ Malaysia cũng cho rằng, việc áp dụng luật Hồi giáo sẽ tạo ra một hệ thống pháp lý bất công giữa người theo đạo Hồi và không theo đạo Hồi. “Không nên có sự phân biệt người theo đạo Hồi sẽ nhận những hình phạt khắc nghiệt hơn những người phi tôn giáo” - ông Muzaffar nói thêm. Điều đáng nói là xu hướng các chính trị gia áp đặt điều luật hà khắc không chỉ xảy ra ở Malaysia. Cũng trong khu vực, Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo cũng đang nổi tiếng với các phát ngôn cứng rắn và chính sách “bàn tay sắt” với tội phạm. Trong cuộc đua Tổng thống, ông Duterte đã chiến thắng vang dội với cam kết xóa bỏ hết tội phạm trong 6 tháng bằng cách tiêu diệt 10.000 kẻ tình nghi phạm tội. Sau khi đắc cử, chính trị gia này lại đưa ra một loạt các chính sách chống lại tội phạm, đặc biệt là tội phạm buôn lậu ma túy, hiếp dâm và giết người. Ông Duterte tuyên bố sẽ thưởng 3 triệu Peso cho những cán bộ thực thi pháp luật tiêu diệt những kẻ buôn ma túy. Phác thảo một số kế hoạch khác cho cuộc chiến chống tội phạm, Duterte tuyên bố, sẽ cho phép lực lượng cảnh sát đặc quyền tiêu diệt ngay lập tức những kẻ buôn bán ma túy. Sau các tuyên bố của ông Duterte, 15 người đã thiệt mạng trong một loạt các cuộc đột kích tội phạm ma túy của cảnh sát trên toàn quốc trong tuần qua, con số mà Tổ chức Ân xá Quốc tế mô tả là một sự leo thang đột ngột. Thực tế, xã hội Philippines dưới thời Tổng thống Aquino mặc dù đã đạt được nhiều tiến triển về kinh tế nhưng vẫn tồn tại nhiều bất ổn với tình trạng tội phạm tăng cao. Vì vậy, việc ông Duterte đắc cử bằng các chính sách cứng rắn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mặt khác, việc bắt buộc phải tăng nặng các hình phạt cho thấy sự yếu kém trong hệ thống ngăn ngừa tội phạm của các quốc gia này. Và việc tăng nặng hình phạt chỉ là bước cuối cùng. Nhiều chuyên gia chỉ trích, việc sử dụng các hình phạt khắc nghiệt, thậm chí sử dụng các hình phạt của đạo Hồi chỉ kéo lùi sự phát triển của các nước trở về “đêm trường Trung cổ”. Bên cạnh đó, xu hướng này tiềm ẩn nguy cơ xung đột trong xã hội khi bạo lực lại được giải quyết bằng bạo lực.
Tổng thống đắc cử Philippines Duterte liên tiếp đưa ra các hình phạt "nặng đô" với tội phạm. |